Cuối năm, lo cháy nổ

Cuối năm, lo cháy nổ

Càng về cuối năm, các hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - sinh hoạt càng diễn ra sôi động. Thế nhưng, tại nhiều quận - huyện ở TPHCM, các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… lại xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao. Chính quyền địa phương, ngành chức năng làm gì để ngăn chặn?

        Nguy cơ cháy nổ gia tăng

Những ngày này, hoạt động mua bán các tại cửa hàng LPG - chuyên cung cấp bình gas, các thiết bị gas (138 Trần Phú, phường 4, quận 5) diễn ra tấp nập. Người mua, nhân viên đứng bán hàng diễn ra cả ngày đêm, tuy nhiên chủ cửa hàng này lại bất chấp các quy định về an toàn PCCC, đặt và bài trí bình gas, các thiết bị liên quan đến gas che bít các lối thoát nạn. Chưa hết, nhân viên cửa hàng này còn để các thiết bị dễ cháy nổ (bình gas có chứa gas, sản phẩm bằng nhựa…) gần các ổ điện, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Nhìn thấy những mối nguy hiểm này, ông Lê Văn Hạnh (nhà ở quận 10) đến mua bình gas ở cửa hàng, lo lắng: “Phải khẳng định là cửa hàng LPG Trần Phú bán gas rất chất lượng, cân đủ ký. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là các vi phạm về PCCC ở đây cứ tồn tại. Lần nào đến đây đổi gas, tôi cũng thấy cửa hàng để bình gas sát các ổ điện. Nếu cháy nổ xảy ra, không chỉ có người của cửa hàng mà cả khách hàng cũng phải gánh hậu quả. Ngành chức năng cần phải lưu ý và phạt nghiêm các vi phạm này để tai nạn không xảy ra…”.

Một trụ điện tại hẻm 35 Cao Lỗ, phường 4, quận 8 có nguy cơ cháy cao.

Một trụ điện tại hẻm 35 Cao Lỗ, phường 4, quận 8 có nguy cơ cháy cao.

Không chỉ tồn tại ở các cửa hàng, điểm kinh doanh, vấn đề vi phạm an toàn PCCC tại các điểm dịch vụ, quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TPHCM cũng đang ở mức báo động. Tại hệ thống nhà hàng Biển Đông 5 và 6 (410 An Dương Vương, phường 4, quận 5), buổi tối trên tầng lầu có hàng trăm khách đến ăn uống, thế nhưng các lối thoát hiểm tại đây đều bị chủ nhà hàng trưng dụng làm nơi để hàng hóa (bia, bàn ghế, thực phẩm…). Nguy hiểm hơn, tại nhà nghỉ Hồng Hà (918 Võ Văn Kiệt), để mang lại những tiện ích riêng, chủ nhà nghỉ này tự ý tháo gỡ thiết bị chiếu sáng trên lối thoát nạn. Ngoài ra, thời gian qua, chủ nhà nghỉ Hồng Hà cũng “quên” bảo dưỡng định kỳ các phương tiện PCCC theo quy định. Sẽ rất nguy hiểm nếu như nơi đây xảy ra cháy nổ.

Ngoài ra, tại TPHCM hiện còn tồn tại hàng chục khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Chỉ tính riêng quận 8, thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP đã có hơn 30 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao liên quan đến các vi phạm về điện. Đơn cử tại khu nhà trọ không số trong hẻm 35 Cao Lỗ (khu phố 4, phường 4, quận 8), nhiều dây dẫn điện được quấn chặt - đi ngang qua kèo sắt mái tôn và cửa ra vào. Ghi nhận của chúng tôi, tại các hẻm 37 Hồ Thị Kỷ (quận 10), 730 Lạc Long Quân (quận Tân Bình) cũng có nguy cơ cháy nổ cao do tồn tại các vi phạm tương tự về an toàn điện.

        Quyết liệt giám sát, xử lý

Trao đổi với PV Báo SGGP về công tác ngăn chặn nguy cơ cháy nổ cao ở thời điểm hiện nay, Thượng tá Trần Lương Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 8, khẳng định đúng là thời điểm cuối năm, nguy cơ cháy nổ xảy ra rất lớn. Phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, ngoài các biện pháp định kỳ như diễn tập phòng cháy, tư vấn cho người dân cách sử dụng các phương tiện chữa cháy, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao cảnh giác với “bà hỏa”…, phòng còn tăng cường kiểm tra và xử nghiêm các lỗi vi phạm về an toàn PCCC. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn về PCCC trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, từ đầu tháng 11-2013, Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 đã tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm hơn 30 nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, cơ sở sản xuất… vi phạm. Bên cạnh đó, đối với công tác chữa cháy, phòng cũng tăng cường lực lượng trong các ca trực, sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ khi có cháy nổ xảy ra, không chỉ ở địa bàn phụ trách mà còn hỗ trợ ở các địa bàn giáp ranh, lân cận.

Trong khi đó, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, để có một cái tết an toàn, không có thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra, hiện sở đang quyết liệt, gấp rút triển khai cùng lúc nhiều biện pháp phòng cháy. Cụ thể: Kiểm tra phương tiện chữa cháy tại chỗ; tổ chức bảo quản, bảo dưỡng phương tiện như máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác ở đơn vị, phòng ban chuyên môn, sẵn sàng ứng phó khi cháy nổ xảy ra; củng cố, bổ sung phương án chữa cháy - cứu hộ phù hợp với đặc điểm của các khu dân cư có nguy cháy nổ cao. Đặc biệt, sở đang tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, nhất là các trụ điện, cột điện, hệ thống đường dây giáp với nhà dân. Đồng thời chỉ rõ cụ thể các vị trí hư hỏng để Điện lực TPHCM nhanh chóng khắc phục các hư hỏng, lỗi vi phạm.

Theo Thượng tá Trần Lương Anh, để việc PCCC trong thời điểm cuối năm được hiệu quả, ngoài lực lượng chủ lực là PCCC, địa phương phải liên tục tổ chức tuyên truyền, người dân cũng phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC. Một cái tết vui, an toàn là khi cháy nổ không xảy ra.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục