Cuối năm, mùa... đào đường

Cuối năm, mùa... đào đường

Theo thông tin từ Phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), số giấy phép cấp cho các đơn vị đào đường thi công vào dịp cuối năm nay không nhiều, nhưng vừa dứt mùa mưa nhiều tuyến đường trong thành phố đã bị đào xới lên, báo hiệu mùa đào đường cuối năm đã đến... Vấn đề đáng nói, việc thi công kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và việc buôn bán của người dân.

  • Thi công rề rà, dân bức xúc

Nổi bật cho kiểu thi công rề rà là công trình tái lập vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) do Xí nghiệp 1 thuộc Công ty Cầu phà TPHCM thi công. Đoạn vỉa hè từ giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng Tám đến Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch đã bị đào xới ngổn ngang để lắp đặt cáp ngầm viễn thông, nay phải tái lập mặt đường. Gạch con sâu chất thành đống, chỉ có vài rào chắn nhưng không thấy biển báo.

Buổi chiều, khi học sinh tan trường, kẹt xe, nhiều người xe phải “lội” trong cát. Sáng 25-11, tại nơi đây chỉ thấy có 2-3 công nhân thi công, những đoạn đã tái lập xong vẫn vương vãi cát đất. Chủ một hộ kinh doanh ở đây than phiền: “Đơn vị thi công đã đào rồi không cố gắng làm cho nhanh để dân nhờ, cứ rề rà kiểu này chẳng mua bán gì được”.

Vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn trước Trường THPT Lê Quý Đôn) ngổn ngang gạch cát. Ảnh: CÁT TƯỜNG

Vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn trước Trường THPT Lê Quý Đôn) ngổn ngang gạch cát. Ảnh: CÁT TƯỜNG

Trên tuyến đường Nguyễn An Ninh (quận 1) sát chợ Bến Thành mấy hôm nay ầm ì tiếng xe máy cắt mặt bê tông nhựa đường để chuẩn bị đào. Cô Hồng, chủ một hiệu kinh doanh hàng ăn trên tuyến đường này, lắc đầu than: “Lại sắp đào đường nữa, ai cũng rầu vì mua bán sẽ khó khăn hơn”.

Còn trên đường Ngô Quyền (quận 5), công trình đào đường để giải quyết chống ngập cho khu vực Tô Hiến Thành – Lý Thường Kiệt – 3 Tháng 2 – Nguyễn Tri Phương thuộc loại công trình siêu... rề rà, khiến việc kinh doanh của các hộ mặt tiền gần như tê liệt. Chỉ còn gần 2 tháng nữa là tết, đây là lúc cao điểm kinh doanh kiếm sống, nên thấy đào đường ai cũng ngán ngẩm.

  • Xử phạt không ăn thua

Phòng Quản lý giao thông - đơn vị phụ trách việc cấp phép đào đường - cho biết số lượng cấp phép đào đường vào dịp cuối năm nay không tăng nhiều như mọi năm. Cụ thể, từ đầu tháng 11 đến nay Sở GTVT đã cấp 51 giấy phép đào đường để đặt cáp viễn thông, cống thoát nước, tiêu biểu như đào chống ngập cho khu vực Tô Hiến Thành – Lý Thường Kiệt – 3 Tháng 2 – Nguyễn Tri Phương trên đường Ngô Quyền của Khu Quản lý giao thông 1; gói thầu 10D thuộc dự án vệ sinh môi trường trên đường Hoàng Sa – Trường Sa (đoạn cầu số 6 đến số 9) của Ban Quản lý vệ sinh môi trường; xây dựng cống thoát nước đường Trịnh Quang Nghị (đoạn từ Trường Phong Phú đến quốc lộ 50) của Ban Quản lý dự án thoát nước đô thị; di dời cống điện thoại thuộc dự án Bến Thành – Suối Tiên trên đường Nguyễn An Ninh của Công ty Điện thoại Đông...

Khi được hỏi về việc chấn chỉnh, xử lý những đơn vị thi công cẩu thả, không biển báo rào chắn hoặc rề rà, làm ảnh hưởng môi trường, Phòng Quản lý giao thông cho biết: “Bên thanh tra cũng kiểm tra xử lý, phạt dữ lắm!”. Thế nhưng không hiểu sao tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Đó là chưa kể, nhiều đơn vị sau khi đào xong, tái lập qua loa khiến vỉa hè bị xuống cấp thảm hại.

Một cán bộ của Công ty Dịch vụ Công ích quận 3 - đơn vị thi công nhiều vỉa hè trên địa bàn - than phiền: “Chúng tôi vừa thi công là họ đào bới lên rồi tái lập qua loa nên vỉa hè chóng hỏng, nhưng người ta cứ đổ thừa chúng tôi làm ẩu”. Bằng chứng là vỉa hè đường Võ Văn Tần, đoạn trước Trường PTCS Lê Quý Đôn, mới làm chưa đầy năm, nay đã gồ ghề như mặt ruộng.

Đào đường cẩu thả, rề rà là chuyện không mới, nhằm vào mùa kinh doanh cuối năm càng khiến người dân thêm bức xúc. Nếu Sở GTVT TPHCM quyết liệt xử lý, thậm chí rút phép, đình chỉ thi công các đơn vị vi phạm, hẳn sẽ bớt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc kinh doanh của người dân. 

CÁT TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục