Đã tính “năm hết tết đến” chỉ nói chuyện vui. Nhưng khi thấy xe buýt ở Hà Nội chạy bon bon trên đường ưu tiên; thấy ở Hà Nội doanh nghiệp hào hứng với việc làm bãi đậu xe, chúng tôi đành bỏ ý định ban đầu.
Đi trước, liệu có về sau?
Cách nay khoảng 10 năm, TPHCM đã tiên phong trong việc nghiên cứu và làm đường ưu tiên cho xe buýt lưu thông. Thế mà bây giờ, Hà Nội đã có tới hai tuyến xe buýt có làn đường ưu tiên, còn TPHCM thì… không.
Hai tuyến xe buýt đó là: tuyến Ngã tư Sở đi Hà Đông dài gần 6km và tuyến Yên Phụ đi từ Long Biên đến đầu đường Thanh Niên. Tuyến thứ nhất đã hoạt động được gần 10 năm. Tuyến thứ hai ngắn hơn, chỉ 1,3km và cũng vừa mới được Hà Nội đưa vào hoạt động hồi đầu năm 2014. Một đồng nghiệp ở Hà Nội cho hay, thỉnh thoảng cũng có vài phương tiện giao thông khác đi vào làn ưu tiên của xe buýt nhưng khi thấy xe buýt đi tới ai cũng phải nhường. Xe buýt có làn ưu tiên để đi, chất lượng phục vụ được cải thiện rõ rệt, nhất là thời gian đi và về đúng lịch trình. Hoạt động gần 10 năm nhưng trên tuyến xe buýt này gần như không có tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra. Hành khách đi xe buýt yên tâm và tài xế, tiếp viên cũng có điều kiện làm việc tốt hơn. Tuyến thứ hai mới đi vào hoạt động nên hiệu quả chưa thể “đo đếm” chính xác nhưng một kết quả tốt đẹp hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Cách nay khoảng 10 năm TPHCM đã triển khai nghiên cứu và chính thức xây dựng một làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo. Nhờ có đường dành riêng, xe buýt trên tuyến có điều kiện đảm bảo lộ trình nên hành khách ngày càng đông. Tuyến xe buýt này là một trong những tuyến xe buýt có lượng hành khách lớn nhất của TPHCM. Cũng như tuyến xe buýt Ngã tư Sở đi Hà Đông (Hà Nội), tuyến xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo (TPHCM) chưa hề gây tai nạn giao thông trong suốt quá trình đi vào hoạt động: từ lúc được khai sinh cho đến lúc thành phố có quyết định ngưng.
Bao giờ TPHCM lại có những làn đường dành riêng cho xe buýt? Chưa ai có thể trả lời chính xác.… Xây dựng đường dành riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo là TPHCM đã khởi đầu cho một trong những phương thức hỗ trợ xe buýt hoạt động hữu hiệu và tiên tiến được công nhận tại nhiều nước trên thế giới, nhưng nay TPHCM đã bị Hà Nội “qua mặt” và vượt khá xa.
Hà Nội linh hoạt, nhà đầu tư phấn khởi
Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - đơn vị đã đeo đuổi dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới sân khấu Trống Đồng ở TPHCM từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa…triển khai được, chia sẻ, hiện nay giá giữ xe ô tô (tối đa 9 chỗ ngồi) ở Hà Nội vào ban ngày trong khu vực trung tâm tối đa 40.000 đồng/lượt (một lượt tối đa 120 phút), vào ban đêm (từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau) 120.000 đồng/lượt, đậu xe theo tháng 3.500.000 đồng/ngày đêm… Với mức giá này doanh nghiệp có thể thu hồi vốn sau khoảng 6,5 năm. Bà Quỳnh ước tính trong điều kiện suất đầu tư hệ thống đậu xe tự động khoảng 10.000 USD/vị trí đậu xe và lãi suất vay thương mại khoảng 12%-15%/năm. Còn ở TPHCM, mức giá trung bình thu cho một suất đậu xe là khoảng 1 triệu đồng/tháng. Với mức giá này, theo bà Quỳnh, nhà đầu tư phải mất đến 83 năm mới thu hồi được vốn.
“Tại sao Hà Nội có thể đưa ra mức giá lưu đậu cho xe ô tô tới gần 4 triệu đồng/tháng còn TPHCM thì ít hơn nhiều?”. Không chỉ bà Quỳnh, ông Lê Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư không gian ngầm, đơn vị đang thực hiện dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám cùng nhiều doanh nghiệp khác đặt câu hỏi.
Theo các nhà đầu tư, có thể TPHCM có những lý do riêng nhưng với mức giá đậu xe như hiện nay, Hà Nội không chỉ thu hút được các nhà đầu tư vào xây dựng bãi đậu xe ngầm mà còn hấp dẫn được cả chủ đầu tư các cao ốc xây bãi đậu xe. Chủ đầu tư các cao ốc tham gia xây dựng bãi đậu xe ngầm: thay vì xây 1-2 tầng ngầm phục vụ nhu cầu đậu xe của cư dân trong cao ốc thì xây thêm 2-3 tầng ngầm phục vụ nhu cầu chung của xã hội. Với sự tham gia của các chủ đầu tư các cao ốc, chính quyền sẽ không phải quá bận tâm cho việc tìm đất công cho nhà đầu tư xây bãi đậu xe. Vị trí xây dựng bãi đậu xe của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương: dưới sân khấu Trống Đồng hay vị trí đậu xe của Công ty cổ phần Đầu tư không gian ngầm: dưới công viên Lê Văn Tám… đều là đất công. Các quy định liên quan đến việc sử dụng đất công hiện nay khá rắc rối và đây cũng chính là một trong những lý do khiến các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm ở TPHCM bị chậm. Hơn nữa, các cao ốc nằm rải rác trong nội thành - nơi có nhu cầu đậu xe cao, đặc biệt là ô tô nên các cao ốc tham gia làm bãi đậu xe sẽ giúp thành phố giải quyết tốt nhu cầu đậu xe của người dân. Khu vực nội thành, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố cũng là nơi thường bị ùn ứ giao thông do ô tô đậu dưới lòng, lề đường. Nếu nhu cầu đậu xe được giải quyết, tất yếu tình trạng này sẽ không còn nữa.
Không phải ngẫu nhiên, ngay từ những năm 2002-2003, TPHCM đã quyết định ưu đãi cho những doanh nghiệp xây dựng bãi đậu xe cho thành phố. Việc thiếu bãi đậu xe khiến xe, đặc biệt là ô tô phải lưu đậu trên vỉa hè, lòng đường đã và đang là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ùn ứ giao thông tại thành phố. Thế nhưng, hơn 10 năm đã trôi qua kể từ khi thành phố có quyết định ưu đãi, chưa có bãi đậu xe ngầm nào được xây dựng… Cuối năm nhắc lại chuyện này với một kỳ vọng: năm mới mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
NGUYỄN KHOA