Tết Nguyên đán 2016 vừa qua chưa được bao lâu thì những phụ huynh có con đang học ở hai bậc mầm non và tiểu học lại đau đầu với bài toán “mua gì tặng cô nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3”.
Không nhớ từ khi nào, quà tặng cô giáo không chỉ xuất hiện vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 mà đã trở thành thông lệ vào nhiều dịp lễ, tết khác trong năm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, 8-3, 20-10… Tặng thì không biết mua gì vì có quá nhiều dịp phải mua quà trong năm, nhưng không tặng thì sợ con mình thành “cá biệt” vì bạn nào trong lớp cũng có. Cứ thế, cuộc đua quà tặng cô giáo chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, phụ huynh luôn trong tư thế phải “nhìn nhau” mỗi khi đến dịp lễ, tết.
Anh Nguyên Phúc, phụ huynh có con đang học một trường mầm non công lập ở quận 5, cho biết những năm trước hai vợ chồng đều tặng cô giáo của con lịch treo tường, lạp xưởng vào mỗi dịp tết nhưng năm nay, thấy phụ huynh nào trong lớp cũng dúi “bao lì xì” cho cô giáo khiến anh phải thay đổi hình thức quà tặng. Anh Phúc nói: “Khi nhận quà từ tay tôi, cô không bày tỏ sự ngạc nhiên nhưng nhỏ nhẹ từ chối. Sau vài câu trò chuyện, cô mới nhận quà kèm lời cảm ơn nhưng ánh mắt vẫn ngại ngùng không dám nhìn thẳng vào phụ huynh”. Anh và tất cả phụ huynh trong lớp đều hiểu, quà tặng cô giáo không đồng nghĩa với yêu cầu cô phải chăm sóc con mình tốt hơn bởi ai trong lớp cũng có quà tặng. Mặt khác, trị giá bên trong bao thư nhiều hay ít không quan trọng, bởi hơn ai hết giáo viên hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình học sinh. Và chẳng may em nào không có quà tặng, bạn đó cũng không vì thế bị cô đối xử khác đi so với những bạn cùng lớp. “Nhưng không tặng không được bởi bạn nào cũng có, mình không thể để con buồn vì không có quà tặng cô giáo”, anh Phúc chia sẻ. Thêm vào đó, do ngành giáo dục hiện nay không quy định lương tháng 13 nên thưởng tết cho giáo viên phụ thuộc rất nhiều vào sự gói ghém, co kéo của các đơn vị. Do đó, đối với các trường công lập, mức thưởng cao nhất thường không quá một tháng lương, tức chỉ hơn 5 triệu đồng/người. Cá biệt vài nơi có mức thưởng khá hơn, nhưng số lượng rất ít.
Riêng vào những dịp khác như 8-3, 20-10, 20-11, đa phần quà tặng các cô nhận được là hoa tươi, chocolate, mỹ phẩm. Những thứ vật phẩm này tuy có giá trị không lớn nhưng luôn khiến phụ huynh đau đầu vì “phải mua sao cho được được”. Bởi vậy nên vào mỗi dịp đặc biệt, siêu thị, nhà sách lại đồng loạt tung ra hàng trăm mẫu mã quà tặng gói sẵn đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh. Không ai còn xa lạ với hình ảnh trường học đông phụ huynh hơn vào những ngày đặc biệt, buổi tan trường hôm đó giáo viên nào cũng khệ nệ ôm quà chất lên xe chở về nhà. Ở mặt tích cực, những món quà thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ công lao thầy cô đã dạy dỗ. Nhưng ở khía cạnh khác, hình ảnh đó sẽ khiến những người làm công tác gián tiếp phục vụ giáo dục như bảo vệ, cấp dưỡng, nhân viên y tế, thư viện chạnh lòng, vì chỉ có giáo viên đứng lớp mới được phụ huynh học sinh quan tâm đến.
Bên cạnh đó, quà tặng ngoài ý nghĩa tượng trưng cho tình cảm, sự tưởng nhớ công ơn của học sinh còn là gánh nặng khiến giáo viên bị chi phối trong nhiều quyết định thưởng - phạt ở lớp, khiến không ít người chạnh lòng bởi sự xô đẩy giữa vật chất và sự thanh cao vốn có của nghề giáo. Đó là chưa kể nhiều trường hợp người được tặng quà phải day dứt vì cách phụ huynh trao quà. Người ý tứ thì nhẹ nhàng, gặp riêng cô vào giờ tan lớp nhưng cũng có không ít trường hợp xem việc tặng quà cô giáo là một hình thức trao đổi “có qua có lại”, đưa tiền không bỏ phong bì để con trực tiếp cầm vào lớp đưa cô trước mặt bao nhiêu bạn khác.
Tuy biết đã trở thành thông lệ, phụ huynh nào cũng biết nhưng không phải ai cũng thực hiện một cách có ý tứ. Thêm vào đó, dù ngành giáo dục năm nào cũng ra sức ban hành văn bản hạn chế hoa, quà cho giáo viên vào ngày nhà giáo nhưng xem ra “phép vua không qua nổi lệ làng” khiến mỗi năm cứ đến dịp lễ, tết, cả phụ huynh lẫn giáo viên lại đau đáu hai chữ “quà tặng”.
Minh Quân