Nhà văn Nguyễn Đông Thức, người vài năm gần đây đã cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền tự thực hiện hành trình “Moto học bổng” kể về kỷ niệm một chuyến đi.
Khi ấy, các em thiếu nhi một trường tiểu học vui mừng đón hai nhà văn và ngoài các phần học bổng, các em đều nhận những món quà kẹo bánh. Bất chợt các em chợt vỡ òa niềm vui sướng khi thấy trong các phần quà còn có sách, truyện. “Có đến những vùng sâu, vùng xa mới thấy các em quý và thích sách đến mức nào, hơn hẳn những món quà kẹo bánh mà ta vẫn tưởng các em sẽ thích nhất”, nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét.
Giữa thành phố năng động và không cần đi đâu xa, cô giáo Thanh Mai, giáo viên tại một trường tiểu học ở huyện Nhà Bè, TPHCM cho biết, các em học sinh ở trường rất mê đọc sách, tất cả sách thiếu nhi trong thư viện trường đều được các em đọc đi đọc lại đến nỗi sách cũ sờn hết. Thế nhưng, kinh phí nhà trường có hạn, việc bổ sung sách gần như không có.
Nhận biết được sự thiếu thốn và nhu cầu đọc của các em, đã có nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp sách để tặng. Thế nhưng, hiệu quả thực sự chưa cao do nhiều nguyên nhân, như việc quyên góp manh mún, không tập trung, sách không phù hợp… Đặc biệt, vấn đề nội dung sách là rào cản lớn nhất để đưa sách đến với các em. Do quyên góp dựa trên sự tự nguyện, cho sách nào nhận sách đó nên nhiều sách có nội dung dành cho người lớn (sách kỹ thuật chuyên ngành, sách nghiên cứu…) và nơi nhận sách cũng không có nhân lực cũng như trình độ chuyên môn để tiến hành phân loại sách.
Trong bối cảnh đó, việc Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam tại TPHCM đứng ra kêu gọi tổ chức “Tặng sách cho học sinh ngoại thành” nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt. Thực tế ban đầu chương trình này dự kiến chỉ gói gọn trong giới xuất bản, những người làm sách, kinh doanh sách… Hội đứng ra kêu gọi họ góp sách, sau đó liên hệ với Thư viện Khoa học tổng hợp tiến hành phân loại, chọn lọc và cuối cùng tổ chức đi tặng các trường. Nhận thấy ý nghĩa của chương trình, các đơn vị Thành đoàn, Sở GD - ĐT TPHCM đã chung tay cùng thực hiện, đưa chương trình lên một quy mô mới. Mỗi đơn vị cùng san sẻ những công việc phù hợp với mình như hội kêu gọi các đơn vị xuất bản, làm sách, Thành đoàn kêu gọi thanh niên, huy động nhân lực trẻ, Sở GD - ĐT liên hệ các trường để xem xét nhu cầu, sắp xếp tiếp nhận, thư viện đảm nhận chọn lọc, phân loại sách phù hợp với các em…
Sức nóng của chương trình được thể hiện rất nhanh chóng, chỉ hơn nửa tháng, một lượng sách với tổng trị giá gần 800 triệu đồng đã được quyên góp và đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Không những thế, nhờ sự nỗ lực của các đơn vị, sách đang nhanh chóng được chọn lọc để cuối tháng 8 này chuyển đến trường học ở các huyện ngoại thành để phục vụ học sinh nhân dịp năm học mới.
Ngay trong lễ tiếp nhận sách tặng, ý kiến được nhiều người nêu lên nhất là phải làm sao để chương trình này có thể mở rộng ra khắp cả nước để những cuốn sách hay sẽ trở thành nụ cười cho các em thiếu nhi khắp mọi miền Tổ quốc.
XUÂN THÂN