Trong số các huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang như An Minh, An Biên, Kiên Lương có ngư dân bị cướp ngư cụ nhiều nhất phải kể đến xã Vân Khánh của huyện An Minh. Là xã ven biển nên nghề đánh bắt bằng lú dây ở Vân Khánh rất phổ biến, cả xã có hàng ngàn hộ dân mưu sinh bằng nghề này.
Cướp đêm
Thời gian qua, nạn cướp ngư cụ như lú, lọp hoành hành đã trở thành nỗi ám ảnh của các hộ ngư dân trong xã. Nhiều hộ bị cướp hết ngư cụ, không thể ra khơi, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Mầm ở ấp Mương Đào A, xã Vân Khánh vừa bị cướp mất gần 200 cái lú, thiệt hại tài sản trên 50 triệu đồng, anh bức xúc: “Mỗi cái lú 250.000 đồng, dân ở đây còn nghèo nên phải mượn tiền để mua ngư cụ, vậy mà cứ ra khơi là bị cướp hết trơn. Bây giờ nợ nần chưa trả, mất lú không biết làm gì ra tiền để nuôi gia đình”.
Do đặc thù của nghề đặt lú phải ra khơi ban đêm nên việc trông giữ lú rất khó. Trong khi đó, các băng cướp thường được tổ chức thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có từ 5-7 xuồng gắn máy công suất lớn và trang bị hung khí sẵn sàng chống trả khi bị truy đuổi. Chị Nguyễn Thị Linh, ở ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, bị cướp mất 170 cái lú, bàng hoàng nhớ lại: “Biển đêm mênh mông mịt mù, ghe của bọn cướp nhỏ khó thấy chúng từ xa. Khi chúng tới gần mới phát hiện ra và tri hô đuổi theo, nhưng chẳng những chúng không sợ, còn hăm dọa giết làm mồi cho cá”.
Trước sự hoành hành của các băng cướp, hầu hết hộ ngư dân không còn dám ra khơi ban đêm, họ chấp nhận đi ban ngày dù hiệu quả rất thấp, nhiều khi không đủ trang trải tiền dầu, tiền nước đá. Những hộ bị cướp hết ngư cụ, không chỉ lâm cảnh nợ nần, mà còn mất luôn công ăn việc làm. Lão ngư Nguyễn Văn Út, người có trên 50 năm kinh nghiệm đi biển lo lắng: “Trước đây, đi đánh đêm mỗi chuyến có khi lãi khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, xui gặp cướp thì mất hết. Bây giờ ngư dân ra biển sợ cướp, còn nằm bờ chẳng biết mần gì ăn. Nếu không sớm dẹp bọn cướp này, dân ở đây nguy to”.
Địa phương làm ngơ?
Điều khiến ngư dân ven biển ở Kiên Giang lo lắng nhất là nạn cướp hoành hành ngày càng táo tợn hơn, trong khi chính quyền địa phương cũng như lực lượng biên phòng bất lực. Anh Lê Văn Vũ, ở ấp Kim Qui B xã Vân Khánh bị cướp đến hai lần, thiệt hại trên 100 triệu đồng, ấm ức: “Thủ đoạn của bọn cướp tinh vi lắm. Mình đi đêm phải dùng bộ đàm để liên lạc với tàu bạn, ghe cào để hướng dẫn cho họ tránh nơi đặt lú. Biết được điểm này, bọn cướp rà tần sóng tàu mình rồi tự nhận là ghe cào, hỏi tọa độ để biết đường tránh. Ai ngờ, chỉ lát sau chúng ồ ạt kéo đến cướp sạch lú, ốc dây”. Cũng theo anh Vũ, băng cướp còn phân công rất rạch ròi: một nhóm cướp nhử, dụ ngư dân đuổi theo; sau đó một nhóm đến cướp ngư cụ; nhóm còn lại sẵn sàng dùng hung khí đánh trả nếu đồng bọn bị đeo bám quyết liệt.
Theo các ngư dân, các băng nhóm cướp ngư cụ chủ yếu ở địa bàn tỉnh khác sang huyện An Minh hoạt động. Mỗi lần cướp xong chúng thường chạy về phía hải phận giáp giữa 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nên việc truy bắt càng gian nan, cần phải có sự phối hợp giữa hai địa phương. Thượng úy Phạm Quang Đáo, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Kim Quy - Đồn Biên phòng 714 cho rằng: “Trên biển đêm, lại cách bờ mấy cây số, nên khi nghe dân báo không thể rượt kịp bọn chúng. Sau khi cướp ở Kiên Giang, bọn chúng thường đem ngư cụ về Cà Mau tiêu thụ với giá chỉ bằng 1/4 vốn ngư dân bỏ ra mua. Cách tốt nhất để ngăn chặn là cơ quan chức năng phải kiểm soát được nơi tiêu thụ của bọn cướp. Từ đó truy ra các đối tượng”.
Phía chính quyền địa phương cũng thừa nhận hiện chưa có cách giúp đỡ ngư dân. Ông Trần Minh Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Khánh nói: “Dù biết nỗi khổ của dân nhưng chúng tôi không biết làm gì giúp họ. Ở xã người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt trên biển, nếu tình trạng cướp ngư cụ kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Chúng tôi cũng như hàng ngàn hộ ngư dân mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc truy quét bọn cướp, đem lại ngư trường bình yên cho ngư dân làm ăn”.
ĐÌNH TUYỂN