Cúp điện để… giảm lỗ?

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có công văn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than-Khoáng sản và các đơn vị phát điện xem xét khả năng phát điện ở mức cao nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng nhằm phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có công văn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than-Khoáng sản và các đơn vị phát điện xem xét khả năng phát điện ở mức cao nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng nhằm phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong đó, lưu ý ưu tiên điện cho sản xuất, nhất là các cơ sở làm hàng xuất khẩu, hộ tiêu thụ điện trọng điểm, sản xuất liên tục và bệnh viện, trường học,… đồng thời, tăng cường công tác tiết kiệm điện sản xuất, tiêu dùng. EVN xây dựng kế hoạch huy động tối đa các nguồn điện để đảm bảo cung cấp điện ở mức cao nhất cho tháng 5 và những tháng tiếp theo. Trong mọi trường hợp cần điều tiết phụ tải, phải thông báo trước cho các hộ tiêu thụ điện theo quy định, không cắt điện tràn lan.

Trước đó, tại hội nghị giao ban trực tuyến nhiều ban ngành và tập đoàn kinh tế, phản ánh ngành điện liên tục để xảy ra điệp khúc cúp điện tràn lan, nhưng không được EVN giải thích.

Tuy nhiên, một cán bộ của EVN phát biểu “hớ” tại hội nghị rằng, hiện nay ngành điện vẫn còn nguồn sản lượng nhiệt điện dầu nhưng không thể đưa vào sử dụng vì đang ngừng vận hành để bảo trì, sửa chữa một số nhà máy và vì… sợ lỗ! Lý do này trái với chỉ đạo của Bộ Công thương là EVN phải chạy hết nguồn điện hiện có, kể cả nguồn nhiệt điện dầu.

Cụ thể, trong những ngày khô hạn và nắng nóng gần đây, EVN lại giảm sản lượng nhiệt điện dầu: Tháng 3, nhiệt điện dầu là 18 triệu kWh/ngày, nhưng sang tháng 4 chỉ còn 2-3 triệu kWh/ngày. Một cán bộ ngành điện TPHCM phân tích, với giá nhiệt điện chạy dầu hiện nay ở mức 4.000-5.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân quý 1 của EVN chưa đến 1.000 đồng/kWh.

Như vậy, vì lợi ích của mình, EVN sẽ viện đủ lý do để không vận hành nhiệt điện dầu. Trong khi đó, sản lượng nhiệt điện dầu tính đến tháng 4, ngoại trừ nhà máy Cần Thơ, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu khác như Thủ Đức, Ô Môn, Hiệp Phước được huy động khá cao với tổng sản lượng trên 300 triệu kWh, nhưng hiện nay chỉ vận hành khoảng 1/3 công suất.

Vị cán bộ này đặt vấn đề, nếu EVN vẫn vận hành chạy dầu như tháng 3 thì việc tiết giảm điện sẽ giảm rất nhiều. Nếu EVN vận hành nhiệt điện dầu, tuy giá có đẩy lên, thì phải chấp nhận “lỗ” vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Chưa hết, hiện nay nhiều công trình thủy điện dù có điện nhưng không thể bán do EVN “chê” đắt hoặc thiếu đường dây truyền tải. Trong khi đó, đường dây truyền tải lại do EVN độc quyền. Cụ thể là đang có khoảng 700 MW thủy điện tại Lào Cai không bán được vì thiếu đường dây truyền tải…

Cũng do cơ chế độc quyền ngành điện tại Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam như: Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà,… không sản xuất điện tại Việt Nam mà sang Lào sản xuất thủy điện. Được biết, tổng công suất của các đơn vị này đầu tư sang nước láng giềng khoảng 5.000 MW, bằng 1/3 tổng công suất nguồn điện tại Việt Nam hiện nay.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục