Cựu chủ tịch xã bị đề nghị 13-14 năm tù do sai phạm trong bồi thường đất

Ngày 5-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với 2 nhóm tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quá trình điều tra xác định, từ khoảng tháng 6-2010 đến tháng 11-2010, 29 hộ dân có diện tích đất thừa đến Tổ công tác xã Xuân Đỉnh để kê khai diện tích đất bị thu hồi. Tại đây, cán bộ tổ công tác xã giải thích nếu kê khai diện tích đất thừa sẽ không được bồi thường giải phóng mặt bằng, diện tích đất thừa phải được chuyển cho những hộ thiếu đất hoặc trả lại cho UBND xã, lúc đó mới được bồi thường. Mong muốn được bồi thường nên 29 hộ dân đã chuyển đất thừa cho 29 hộ khác, tổng diện tích là hơn 5.000 m2 đất.

Cựu chủ tịch xã bị đề nghị 13-14 năm tù do sai phạm trong bồi thường đất ảnh 1 Các bị cáo tại phiên tòa ngày 5-7
Thời điểm đó ông Nguyễn Hữu Khiêm – Chủ tịch xã Xuân Đỉnh; Nguyễn Thị Xuân Hương – Cán bộ địa chính xã; Nguyễn Thị Gấm – Tổ trưởng Hợp tác xã biết việc chuyển đất nông nghiệp sau khi thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi là trái pháp luật, nhưng Khiêm vẫn chỉ đạo Hương, Gấm ký xác nhận vào đơn xin điều chuyển đất; Gấm ký đóng dấu xác nhận vào 29 đơn điều chuyển đất, Hương ký xác nhận cùng với Gấm vào 14 đơn (trong số này có 2 hộ là người nhà của Khiêm; 1 hộ người nhà của Hương và 2 hộ là người nhà của Gấm). Cùng với đó, Khiêm chỉ đạo Hương và Gấm không cần đến thực địa để xác minh hiện trạng đất. Các hành vi trên của các bị cáo làm thiệt hại cho nhà nước gần 27 tỷ đồng.

Sau khi xác định được sai phạm, Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội đã thu hồi được hơn 500 triệu đồng, số tiền còn lại chưa thu hồi là 26,3 tỷ đồng. Trong vụ án này có Nguyễn Hữu Khiêm (SN 1967, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh) và Nguyễn Thị Xuân Hương (SN 1979, cựu cán bộ địa chính xã), Nguyễn Thị Gấm (SN 1962, cựu chủ nhiệm hợp tác xã) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Nguyễn Minh Công (SN 1959, nguyên cán bộ Phòng TN-MT huyện Từ Liêm), Lục Văn Cường (SN 1963, nguyên Phó trưởng phòng giải phóng mặt bằng – Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố), Nguyễn Tuấn Anh (SN 1978, nguyên cán bộ phòng giải phóng mặt bằng - Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố), Hoàng Minh Đức (SN 1980, nguyên cán bộ ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm) và Vũ Qúy Dương (SN 1967, nguyên Phó trưởng phòng TN-MT huyện Từ Liêm).

Sau 2 ngày xét xử, đại diện VKS nhận định sẽ vẫn giữ nguyên quan điểm như nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo. Quá trình xét xử, bị cáo Khiêm chưa thành khẩn, nên không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ; đối với bị cáo Nguyễn Thị Xuân Hương, VKS cho rằng mặc dù bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc ký chuyển đất nhưng trong số các hộ được bồi thường có người nhà của Hương, trong quá trình xét hỏi bị cáo thành khẩn nên có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tội. Trong vụ án này, Khiêm, Hương, Gấm giữ vai trò chủ chốt, VKS đề nghị các bị cáo trên phải có trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại là hơn 26 tỷ đồng cho nhà nước.

Với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo ở nhóm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Hữu Khiêm 13-14 năm tù; Nguyễn Thị Gấm 12 năm tù; Nguyễn Thị Xuân Hương 10-11 năm tù.

Đối với nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS đề nghị phạt Lục Văn Cường 42-45 tháng tù; Nguyễn Minh Công và Nguyễn Tuấn Anh 36 tháng tù cho hưởng án treo; Hoàng Minh Đức và Vũ Qúy Dương 30-36 tháng tù cho hưởng án treo. Luật sư và một số bị cáo đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số hành vi, động cơ mà các bị cáo thực hiện trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Sau phần tranh luận của luật sư, tòa bước vào nghị án trong thời gian 2 ngày trước khi tuyên án.

Dự kiến ngày 10-7 tòa tuyên án.

Dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây được Bộ KH-ĐT cấp phép năm 2006 cho Tổ hợp các công ty xây dựng Hàn Quốc (5 công ty) thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; Công ty TNHH phát triển T.H.T được đầu tư phát triển khu đô thị trên với diện tích hơn 207 ha tại khu vực Tây Hồ Tây thành một khu đô thị đồng bộ hoàn chỉnh và hiện đại, phù hợp với quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội. Sau khi được cấp giấy phép đầu tư, Công ty T.H.H ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hà Nội về việc chuyển tiền cho trung tâm phát triển quỹ đất để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho dự án trên.

Tổng kinh phí cho bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 337 tỷ đồng với hơn 1 triệu m2 đất phải thu hồi. Đầu năm 2008, UBND huyện Từ Liêm khi đó có quyết định thành lập Hội đồng bồi thường tại các xã Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế; sau đó các xã trên thành lập các tổ công tác, tổ này có nhiệm vụ điều tra hiện trạng đất, hoa màu, thống kê tài sản của người dân bị thu hồi đất trong phạm vi thực hiện dự án; phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ bị thu hồi và chịu trách nhiệm pháp lý về số liệu điều tra.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xảy ra nhiều sai phạm nên Thanh tra TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án Tây Hồ Tây nằm trên địa bàn 2 xã trên (nay là quận Bắc Từ Liêm). Từ đây, Thanh tra TP Hà Nội kết luận, công tác giải phóng mặt bằng tại xã Xuân Đỉnh và UBND xã Xuân Đỉnh không thực hiện theo các quy trình, quy định, đáng kể là sai phạm trong việc tổ chức kê khai, điều tra hiện trạng đối với các hộ có đất bị thu hồi. Năm 2015 Thanh tra TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ lên Công an TP Hà Nội để xử lý theo quy định.

Tin cùng chuyên mục