Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo:
(SGGPO).- Sau khi từ vị trí sập hầm trở ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương tinh thần các lực lượng của tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo kiên quyết ngay từ đầu công tác cứu hộ, biểu dương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của quân khu 7, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã rất nhanh chóng vào cuộc.
Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng cứu hộ phải khẩn trương hơn nữa vì đã qua 3 ngày kể từ khi 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong và dự kiến phải 3 ngày nữa mới thông được hầm nên mọi công tác phải thực hiện nhanh hơn, công tác cứu hộ phải liên tục không ngừng nghỉ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải họp với Ban chỉ huy cứu nạn. Ảnh: Đoàn Kiên
Về công tác đảm bảo an toàn cũng như sức khỏe của nhóm công nhân mắc kẹt Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao cho lực lượng y tế: "Sau khi nói chuyện với các công nhân bị mắc kẹt trong hầm và biết được sức khỏe của mọi người vẫn tốt. Tôi giao cho lực lượng y tế chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho 12 người bị mắc kẹt ở thời điểm hiện tại và sau khi giải cứu. Lực lượng y tế phải chuẩn bị các phương án như bơm vitamin, chuẩn bị thuốc và bố trí đội ngũ y bác sĩ thường trực”.
Về hướng triển khai sắp tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đào theo hướng bên phải do tập đoàn Than Khoáng sản đảm nhiệm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an TPHCM phối hợp với lực lượng công binh mở thêm một đường mới phía bên trái đề phòng trường hợp xấu xảy ra ở một lối đào. Đồng thời gia cố 3 đường ống để không bị đất đá chèn gây tắc đường ống. Với những đoạn đã đào phải gia cố dày hơn nữa để đảm bảo an toàn.
Về tiến độ triển khai các giải pháp cứu hộ 12 nạn nhân đang mắc kẹt trong hầm thủy điện, chiều 18-12, lực lượng cứu hộ tiếp tục chằng chống, gia cố thành hầm, vừa đào đường hầm bên ngách để tiếp cận và cứu người. Đường bên ngách phải đã đào được 5,5m. Các ngành chức năng cũng tính toán cho đào thêm đường thứ hai bên ngách trái.
Song song đó, hai mũi khoan đang được triển khai. Mũi từ đỉnh đồi xuống hầm có đường kính 10cm, sâu 70m để thông khí, tiếp tế thực phẩm và quần áo đã khoan được 40m. Mũi từ phía miệng hạ lưu hầm có đường kính 10cm, dài 60m, để thông khí và hút nước trong hầm ra đã khoan 40m.
Việc hút nước trong hầm ra cũng đang thông suốt, mực nước trong hầm đã hạ còn dưới 1m.
- Nền địa chất yếu, trước khi bị sập đã gia cố nhưng bất thành
Lúc 13 giờ 30, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình kiểm tra hoạt động thi công đường hầm, các sở, ngành liên quan của tỉnh nhận thấy nền địa chất của đường hầm yếu nên đã đề nghị trong quá trình thi công cần chú ý đến việc gia cố và xử lý theo đúng quy định để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc trong quá trình thi công, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, tại vị trí xảy ra sự cố, trước đây khi công ty cổ phần Đầu tư xây dựng ngầm Vinaconex thi công cũng đã nhiều lần bị sụt đất. Trước khi sự cố xảy ra, công ty cổ phần Sông Đà 505 đã chống đỡ phần hầm bằng khung và vỉ thép, nhưng khi sự cố xảy ra, lượng đất và đá lớn đã phá sập trần hầm và đè bẹp một xe đào đất ở vị trí này.
Sau khi họp chỉ đạo với Ban chỉ huy công tác cứu nạn, Phó Thủ tướng đã đi vào kiểm tra khu vực sập hầm làm 12 công nhân mắc kẹt.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có mặt tại hiện trường vụ sập hầm để tham gia chỉ đạo công tác cứu hộ. Ảnh: Nam Viên
- Đào thêm hầm, đặt đường ống đề phòng sự cố
12 giờ ngày 18-12, lực lượng cứu hộ đang tiến hành đào một đường hầm khác bên phải song song với đường hầm chính để đưa các nạn nhân ra ngoài. Hiện, lực lượng cứu hộ đã đào sâu được khoảng 5,5m với tiến độ rất khả quan.
Một nhân viên cứu hộ cho biết: “Lúc đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn do gặp phải lớp đất đá cứng, nhưng sau khi khai thông được mọi việc đang rất ổn, đất đã liên tục được xe rùa đẩy ra ngoài”.
Theo đó, phương án hầm phụ để đưa người ra ngoài có chiều cao khoảng 1,5m, chiều rộng 1m. Lực lượng khai thông hầm được chia làm 6 ca, mỗi ca 10 người sẽ liên tục làm việc trong 4 tiếng, sau đó thay luân phiên.
Khu vực khai thông hầm đang làm việc hết sức khẩn trương, liên tục dùng cuốc, xẻng để đào đất và dùng xe rùa để đẩy ra ngoài.
Lực lượng cứu hộ đang làm việc hết sức khẩn trương để đào hầm tiếp cận nhóm công nhân mắc kẹt. Ảnh: Nguyễn Tiến
Tại khu vực sập hầm, ống thép được khoan phía bên phải là phương tiện duy nhất để liên lạc, cũng như chuyển thực phẩm cho người bị nạn. Tại ống thép này luôn có người túc trực để giao tiếp cùng như chuyển những thứ cần thiết như thuốc men, đồ ăn nhẹ cho nhóm người bị nạn.
12 giờ 30 phút, sau cuộc hội ý của Ban chỉ huy cứu nạn, Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề xuất phương án đào thêm đường hầm thứ hai ở phía bên trái đường hầm chính (đường thứ nhất ở bên phải, đã đào 5,5m) để tiếp cận nhóm công nhân mắc kẹt.
Đại tá Phạm Văn Tỵ cũng đề xuất việc đặt một ống thép đường kính 50cm trong hầm chính để đề phòng khi sự cố xảy ra thì lực lượng cứu hộ chui vào ống thép này để thoát ra ngoài. Đề xuất này được Thường trực Ban chỉ huy cứu nạn đồng ý.
- Đào hầm vòng vào vị trí 12 công nhân mắc kẹt
Đến 10 giờ trưa nay, 18-12, bộ đội công binh Quân khu 7 tham gia cứu hộ tại hiện trường cho biết đã đào được 5m hầm để tiến vào vị trí 12 công nhân mắc kẹt.
Theo một chiến sĩ công binh trực tiếp tham gia đào hầm, phương án đào băng qua đống đất đá sạt lở không thể thực hiện được vì đất đá sẽ sụt xuống. Vì vậy, lực lượng cứu hộ quyết định đào hầm vòng, tránh đoạn hầm bị sập để tiếp cận vị trí 12 công nhân mắc kẹt.
Dự tính đoạn hầm sập dài hơn 30m và việc đào hầm vòng để đến được vị trí 12 công nhân bị mắc kẹt còn dài hơn. Việc đào hầm vòng này cũng gặp không ít khó khăn vì có nhiều đá mồ côi.
Sáng 18-12, lực lượng công binh đã tăng cường thêm lực lượng. Một máy khoan chuyên dụng cũng được tăng cường từ Nha Trang lên để phục vụ công tác cứu hộ.
Máy khoan chuyên dụng được tăng cường đến hiện trường phục vụ công tác cứu hộ. Ảnh: Nam Viên
* Đến 7 giờ ngày 18-12, công tác bơm thoát nước ngập trong đường hầm bị sập tại công trình thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tiến triển tốt. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy lượng nước được bơm hút ra ngoài càng lúc càng lớn hơn.
“Công trường cứu hộ” ngổn ngang, cán bộ phải tiến hành cứu hộ trong điều kiện ẩm ướt cao và địa hình phức tạp. Ảnh: Đoàn Kiên
Suốt đêm 17-12, cùng với việc bơm hút nước dâng ngập khoảng 1,2m trong đoạn hầm nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt, lực lượng cứu hộ tiếp tục khoan theo hướng từ phía trước cửa hầm thêm một mũi khoan xuyên qua lớp đất đá bị sụp đổ hơn 30m để làm đường thoát nước. Đến hơn 6 giờ ngày 18-12, mũi khoan thứ ba từ hướng tiếp cận này đã thành công.
Trước đó, vào tối 16-12 lực lượng cứu hộ đã khoan thành công mũi khoan đầu tiên để đặt đường ống cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng. Tối 17-12 lực lượng cứu hộ cũng đã khoan thêm một lỗ để thoát nước ra ngoài. Các lỗ thông vừa được tạo ra cũng giúp cho việc liên lạc và tiếp điện, ánh sáng cho các nạn nhân mắc kẹt bên trong hầm.
Vị trí sập hầm nhìn từ trên máy khoan công suất lớn. Ảnh: Đoàn Kiên
Ngoài ba mũi khoan từ phía trước hầm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết thêm, mũi khoan đang thực hiện ở phía sau hầm cũng đang tiến triển, dự kiến đến khoảng gần 10 giờ sáng 18-12 sẽ xuyên qua 60m đất đá để có thể tiếp cận được với đoạn hầm phía trong.
Mũi khoan đứng ở hướng từ trên đỉnh đồi xuống hầm cũng được tiến hành khẩn trương trong đêm 17-12. Đây sẽ là mũi khoan quan trọng trong việc tiếp cận đoạn hầm có người bị nạn, để mở thêm đường thông rộng cung cấp quần áo và thực phẩm cho các nạn nhân. Tuy nhiên, mũi khoan này gặp nhiều khó khăn nhất, liên tục phải ngừng lại do gặp các lớp đất đá cứng.
23 giờ ngày 17-12, một số nhân viên cứu hộ ra ngoài đổi cả sau thời gian dài làm việc giải cứu trong hầm. Ảnh: Đoàn Kiên
Việc khoan thành công và tháo nước ra ngoài đã tạo được niềm tin cho các công nhân bị nạn, cũng như lực lượng cứu hộ. Hiện công tác cứu hộ đang được hơn 200 người của các lực lượng công binh, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, chuyên gia hầm mỏ, xây dựng, y tế, hậu cần, điện lực… của tỉnh Lâm Đồng, Quân khu 7, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và TPHCM Minh phối hợp ứng cứu.
Lỗ khoan thứ nhất hút nước (khoanh đỏ), lỗ khoan thứ hai đẩy cháo vào trong (màu vàng). Ảnh: Đoàn Kiên
Lúc 7 giờ 45 lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM đã có mặt tại hiện trường và chạy thẳng lên khu vực sườn núi để hỗ trợ các lực lượng cứu hộ đang tham gia khoan thông tại vị trí trên.
| |
Đoàn Kiên - Nguyễn Tiến - Nam Viên
>> Một nạn nhân có dấu hiệu khó thở
>> Tổng lực cứu 12 công nhân kẹt trong vụ sập hầm