“Cứu một bàn chân, cứu một cuộc sống” - Chương trình nhân đạo ý nghĩa

Giải pháp giảm bị cắt chân
“Cứu một bàn chân, cứu một cuộc sống” - Chương trình nhân đạo ý nghĩa

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng có thể làm người bệnh tàn phế và tử vong. Đặc biệt là biến chứng loét bàn chân (LBC). Để giúp người bệnh nghèo thoát khỏi cảnh cưa chân, trong thời gian tới Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM triển khai chương trình “Cứu một bàn chân, cứu một cuộc sống”.

Chăm sóc bàn chân bị loét của một bệnh nhân đái tháo đường.

Chăm sóc bàn chân bị loét của một bệnh nhân đái tháo đường.

Giải pháp giảm bị cắt chân

Bệnh ĐTĐ đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện vào năm 2012, tỷ lệ người mắc bệnh này tại Việt Nam vào năm 1993 là 2,54%, hiện nay lên đến gần 6%. Bệnh ĐTĐ thường dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng có thể làm người bệnh tàn phế và tử vong, như suy thận, tai biến mạch máu não, mù lòa, tim mạch… trong đó có biến chứng LBC rất khó phục hồi, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống... Chi phí điều trị LBC nặng do ĐTĐ (chi phí trực tiếp và gián tiếp) rất lớn.

Do đó, với những người bệnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc trang trải các chi phí điều trị gặp nhiều trở ngại. Biến chứng LBC thường gặp nhiều ở những người lao động nghèo, nhất là những người sống ở nông thôn.

Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến nên hiện nay đã có thêm các phương pháp điều trị mới, giúp bảo tồn và giảm đoạn chi của người bệnh. Phương pháp sử dụng yếu tố tăng trưởng biểu bì tái tổ hợp người (rhEGF) - tiêm trong và quanh bờ vết loét (được Trung tâm Nghiên cứu sinh học và di truyền Cuba phát triển) là một trong các phương pháp đem đến niềm hy vọng cho người bệnh LBC do ĐTĐ nặng.

Thêm hy vọng mới

Tuy nhiên, chi phí điều trị sử dụng phương pháp này rất cao (khoảng 25 triệu đồng/liều) nên sẽ là cánh cửa hẹp đối với những người bệnh LBC nặng có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, cho biết, trước tình huống này, hội quyết định triển khai chương trình “Cứu một bàn chân, cứu một cuộc sống” bắt đầu từ tháng 7-2013, nhằm hỗ trợ người bệnh bị LBC nặng do ĐTĐ có cơ hội được tiếp cận kịp thời với yếu tố phát triển biểu bì tái tổ hợp người (rhEGF), tiêm trong và quanh bờ vết loét. Hội đã đưa ra nhiều phương thức hỗ trợ khác nhau để áp dụng cho từng đối tượng người bệnh.

Đây là cách sử dụng tiềm lực xã hội một cách hợp lý, phối hợp giữa hệ thống y tế, hội và các nhà hảo tâm, góp phần cùng cộng đồng chung lo các đối tượng người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Việc bảo hiểm chi trả một phần chi phí điều trị bằng yếu tố phát triển biểu bì tái tổ hợp người (rhEGF) - tiêm trong và quanh bờ vết loét, là một cơ hội đối với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Trên cơ sở đó, hiện hội đã lên kế hoạch phối hợp với nhiều bệnh viện (BV) lớn trong nước như: BV Nội tiết Trung ương, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân Gia Định, BV Đa khoa Cần Thơ, BV Đa khoa An Giang, BV Đa khoa Kiên Giang, BV Đa khoa C Đà Nẵng, BV Trung ương Đà Nẵng, BV Trung ương Huế… để thống nhất hình thức, thủ tục hợp tác nhằm giúp đỡ bệnh nhân nghèo, khó khăn từ nhiều địa phương trong nước được điều trị LBC do biến chứng ĐTĐ.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM sẽ hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn điều trị loét bàn chân nặng bằng hình thức sau:

1- Đối với người bệnh chưa được bảo hiểm y tế chi trả (không có thẻ BHYT).

a/ Người bệnh nghèo, cận nghèo: hỗ trợ bằng thuốc, 1/2 tổng liều điều trị.

b/ Người bệnh khó khăn: hỗ trợ bằng thuốc 1/3 tổng liều điều trị.

c/ Người bệnh không thuộc 2 diện trên nhưng có hoàn cảnh đặc biệt, hội sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể.

2- Đối với bệnh nhân được BHYT chi trả, hội sẽ tài trợ một phần chi phí bằng cách thanh toán cho bệnh viện nơi bệnh nhân điều trị.

a/ Người bệnh thuộc hộ nghèo: hỗ trợ 10.500.000 đồng/lọ thuốc.

b/ Người bệnh thuộc hộ cận nghèo: hỗ trợ 6.500.000 đồng/lọ thuốc.

c/ Người bệnh không thuộc 2 diện trên nhưng có hoàn cảnh đặc biệt, hội sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, người bệnh thuộc đối tượng nghèo chỉ còn phải chi trả 1.650.000 đồng/liều, đối tượng cận nghèo chi trả 7.386.000 đồng/liều.

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục