Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai

Hôm nay 26-11, tại TPHCM diễn ra Hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu lấy chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM tổ chức. Mặc dù thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng hội thảo đã thu hút được hàng chục nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý về môi trường, thủy điện… cùng đại diện nhiều cơ quan truyền thông tham gia đưa tin, viết bài về sự kiện này. Điều này cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đã thu hút sự chú ý của không chỉ các chuyên gia, nhà nghiên cứu mà còn là mối quan tâm của công luận. Ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai không còn là chuyện ở đâu xa mà đã trở thành câu chuyện của mỗi người chúng ta ngay trong cuộc sống hôm nay.

Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai có tác động trực tiếp đến khoảng 20 triệu người ở 11 tỉnh, thành, trong đó có TPHCM. Phần lớn nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của hàng chục triệu người dân trong vùng được lấy từ hệ thống sông này. Thế nhưng, thay vì phải gìn giữ, bảo vệ môi trường thì suốt bao nhiêu năm qua, mỗi ngày có đến hàng trăm tấn chất thải bị các nhà máy, làng nghề, đô thị… thải thẳng xuống sông.

Trong đó, một lượng không nhỏ hóa chất cực kỳ độc hại từ các nhà máy, phân xưởng thuộc da, chế biến bột giấy… đã hủy hoại sự sống bên dưới mặt nước và thảm thực vật hai bên bờ sông một cách khốc liệt, ngoài sức tưởng tượng!

Không chỉ đối diện với vấn nạn ô nhiễm, hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai còn đang “chết dần, chết mòn” vì hệ thống thủy điện dày đặc tại khu vực thượng nguồn. Việc xây dựng quá nhiều thủy điện đã làm thay đổi hệ sinh thái, gây cạn kiệt nguồn nước vùng hạ lưu. Có thể ví đây là “lưỡi dao” thứ 2 đâm thẳng vào “trái tim” dòng sông Sài Gòn - Đồng Nai vốn một thời trong xanh và thơ mộng!

Trước sự bức xúc của dư luận, liên tiếp trong các số báo ra ngày 18, 19, 20, 21, 22-11-2013, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng tải loạt bài Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”! nhằm lên tiếng báo động tình trạng ô nhiễm hết sức nghiêm trọng, nêu nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm cứu hệ thống sông quan trọng này. Loạt bài của Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đông đảo người dân. Đặc biệt, trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp nhằm cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai. Ngay trong tuần này, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó tình trạng ô nhiễm nước sông Sài Gòn - Đồng Nai là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Từ thực tế cuộc sống và được sự tham vấn của một số nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý về môi trường, Ban tổ chức đã nhanh chóng “lên khuôn” các nội dung sẽ được đề cập, thảo luận. Theo đó, Hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu lấy chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai” tập trung vào 3 vấn đề chính. Một là thực trạng xây dựng hệ thống thủy điện và những hệ lụy do hệ thống thủy điện trên gây ra cho chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai. Hai là thực trạng chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai và nguyên nhân khiến nguồn nước sông bị ô nhiễm. Ba là những giải pháp khoa học nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai. Ngoài ra, với tính chất là “hội thảo mở”, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý sẵn sàng tiếp nhận, trao đổi với các ý kiến đóng góp, phản biện từ dư luận và đại diện các cơ quan truyền thông nhằm sáng tỏ thêm vấn đề, tìm kiếm các giải pháp khả thi.

Sông Nhuệ, sông Đáy ở miền Bắc bị “bức tử”, sông Sài Gòn - Đồng Nai ở miền Nam đang “chết” và còn bao nhiêu dòng sông trên khắp cả nước ta sẽ phải đối diện với nguy cơ bị khai tử? Ô nhiễm nước sông không còn là chuyện xa vời mà đang hiện hữu mỗi ngày trong cuộc sống của người dân. Chất lượng nước ngày càng giảm, cá, tôm, cua và các loài thủy sinh bị tuyệt diệt, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa ngày càng gia tăng… đang là những thách thức to lớn đối với nhiều tỉnh, thành.

Để cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả 11 tỉnh, thành dọc hệ thống sông này, với sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán và mạnh mẽ của Chính phủ. Bên cạnh các giải pháp khoa học, cần nhanh chóng thay đổi tư duy kinh tế địa phương, giải quyết rốt ráo vấn đề xung đột lợi ích giữa các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn. Nếu không vì lợi ích chung, nếu không nhìn về tương lai của các thế hệ mai sau thì trong tương lai không quá xa, sông Sài Gòn - Đồng Nai chắc chắn sẽ “chết” - một cái chết đã được báo trước!

TÔ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục