Cựu Tổng Giám đốc Sadeco: Kiến thức pháp luật còn hạn hẹp nên có sai sót dẫn đến phải đứng trước tòa

Trả lời HĐXX, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc thừa nhận, tại thời điểm trình các hồ sơ trong việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo đã nhận thức đây là phù hợp với quy định. Nhưng bây giờ, bị cáo mới nhận ra kiến thức về pháp luật còn hạn hẹp nên đã có những sai sót dẫn đến bị cáo phải đứng trước tòa.
Ngày 28-12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, viết tắt IPC; kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn, viết tắt Sadeco) và bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM); cùng với 18 bị cáo khác trong vụ án xảy ra sai phạm tại công ty này, gây thất thoát gần 670 tỷ đồng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Sadeco) nói rành rọt về quá trình công tác, vị trí công tác tại Sadeco. Đối với nội dung HĐXX xét hỏi về công ty thẩm định giá HSC, bị cáo trình bày, khi tiếp nhận công việc tại Sadeco thì việc ký hợp đồng và chọn công ty này làm đơn vị thẩm định đã được thực hiện và đã có kết quả thẩm định.
Cựu Tổng Giám đốc Sadeco: Kiến thức pháp luật còn hạn hẹp nên có sai sót dẫn đến phải đứng trước tòa ảnh 1 Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc được dẫn tới tòa . Ảnh: VĂN MINH
Bị cáo vì lý do chủ quan và thiếu cẩn trọng cho nên đã không xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của công ty này. Do đó, bị cáo không biết là công ty này không có chức năng để thẩm định nhưng tới bây giờ thì bị cáo đã biết bị cáo sai ở đó.
HĐXX đặt vấn đề, như vậy, việc xác định giá làm căn cứ chuyển nhượng việc mua cổ phần thêm, phát hành thêm cổ phần, trong đó có phần vốn góp của IPC và phần vốn góp là vốn của UBND TPHCM và vốn góp của Văn phòng Thành ủy TPHCM. Theo bị cáo, việc này thực hiện theo quy định cụ thể nào?
Bị cáo Phúc trả lời: Tại thời điểm trình các hồ sơ, bị cáo đã nhận thức đây là phù hợp với quy định. Nhưng bây giờ, bị cáo mới nhận ra kiến thức về pháp luật còn hạn hẹp nên đã có những sai sót dẫn đến bị cáo phải đứng trước tòa.
Cựu Tổng Giám đốc Sadeco: Kiến thức pháp luật còn hạn hẹp nên có sai sót dẫn đến phải đứng trước tòa ảnh 2 Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: VĂN MINH
HĐXX xét hỏi, tại các cuộc họp HĐQT Sadeco, ai là người đề ra các chủ trương, kết luận để các thành viên HĐQT biểu quyết thông qua và việc biểu quyết thông qua phát hành 9 triệu cổ phần đã thực hiện đúng Nghị định 91 chưa?
Bị cáo Phúc trả lời: Đa số là từ Chủ tịch HĐQT. Trên thực tế tại thời điểm đó với hiểu biết của bị cáo chỉ nghĩ rằng đã thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật. Nhưng bây giờ, bị cáo đã hiểu ra là kiến thức về mặt pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước của bị cáo còn hạn hẹp nên bị cáo đã chưa thực hiện đúng các quy định về việc phải tổ chức đấu giá. Cho đến bây giờ thì bị cáo nhận thấy rằng đã có kiến thức chưa đầy đủ nên dẫn đến việc tham mưu chưa tròn trách nhiệm. “Hiện nay bị cáo thực sự cảm thấy hối hận và biết lỗi”, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc trả lời HĐXX.
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, là người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy TPHCM tại Sadeco) khẳng định đã làm đúng theo quy định. Sadeco là công ty cổ phần nên không tuân theo luật quản lý vốn. Bị cáo đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy, vốn này không phải vốn nhà nước mà là vốn của tổ chức chính trị. Do đó bị cáo không gây thiệt hại như nội dung cáo trạng truy tố.
Cựu Tổng Giám đốc Sadeco: Kiến thức pháp luật còn hạn hẹp nên có sai sót dẫn đến phải đứng trước tòa ảnh 3 Bị cáo Trần Công Thiện được dẫn đến tòa. Ảnh: VĂN MINH
HĐXX cũng xét hỏi bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM). Bị cáo nhận thấy có thiếu sót khi không căn cứ vào Nghị định 91 khi được giao là người phụ trách Phòng Quản lý tài sản của Văn phòng Thành ủy TPHCM. Theo bị cáo, lúc đồng ý bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim thì thấy làm đúng nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra và ra tòa mới biết có sai sót trong việc trình tờ trình.
Liên quan đến vụ phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Tề Trí Dũng ký tờ trình gửi HĐTV IPC về chủ trương tăng vốn điều lệ của Sadeco, đề xuất chọn Công ty Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược. Sau khi lấy ý kiến của các thành viên HĐTV IPC, bị cáo Tề Trí Dũng đại diện HĐTV IPC ký Nghị quyết chấp thuận cho người đại diện vốn biểu quyết thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Sadeco.
Sau đó, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc thay mặt nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco báo cáo nhu cầu tăng vốn để đầu tư phát triển các dự án, đề xuất 2 phương án tăng vốn điều lệ như sau: Phương án 1 là phát hành cho cổ đông hiện hữu 33 triệu cổ phần với tổng giá trị phát hành 330 tỷ đồng. Phương án 2 là phát hành cho cổ đông chiến lược 9 triệu cổ phần, giá bán là 40.000 đồng/cồ phần, tổng số tiền dự kiến thu được là 360 tỷ đồng.
Nhóm đại diện vốn đề xuất tăng vốn điều lệ theo phương án 2 phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, căn cứ báo cáo định giá đã đưa ra giá 40.000 đồng/cổ phần.
Sau đó, Tề Trí Dũng ký tờ trình về việc tăng vốn điều lệ của Sadeco, thống nhất với nhóm đại diện vốn IPC tại Sadeco lựa chọn phương án 2 phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Chính việc phát hành này không thông qua đấu giá công khai, không qua thẩm định giá và đấu giá gây thiệt hại gần 670 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục