Vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, đang ngày càng ô nhiễm. Nguyên nhân thì nhiều sở - ban - ngành Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều nhìn thấy nhưng việc khắc phục như thế nào mới là vấn đề cần quan tâm...
Hiện nay, mỗi ngày vịnh Nha Trang phải chịu sức ép rất lớn từ việc xả thải. Theo thống kê, có đến 90% tàu du lịch, thuyền đánh cá xả trực tiếp rác, phân, nước hút khô hầm tàu... ra vịnh. Khoảng 7.000 lồng bè nuôi hải sản thay nhau thải ra vịnh thức ăn thừa của tôm, cá, ảnh hưởng đến sự phát triển của san hô và môi trường biển. Mỗi ngày khoảng 5.000 người sống trên các đảo, lồng bè nuôi thủy hải sản thải ra vịnh khoảng 10 tấn rác sinh hoạt.
Ngoài ra, vịnh Nha Trang còn phải hứng chịu một lượng lớn chất thải từ các nhà máy chế biến thủy sản, các khu hậu cần nghề cá. Nước thải chưa qua xử lý được xả ra từ 10 miệng cống, trong đó có 3 miệng cống đâm thẳng ra biển, 5 cống thẳng ra sông Cái và 3 cống xả ra sông Quán Trường trước khi hòa vào nước biển.
Ì ạch dự án cứu vịnh
Trước nguy cơ gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường ở vịnh Nha Trang, qua nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đem vấn đề này ra mổ xẻ, bàn bạc... Đến nay cũng đã có giải pháp cứu vịnh với việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải trước khi đổ ra biển, nhưng do triển khai quá chậm nên vịnh đẹp Nha Trang đang tiếp tục… xấu!
Năm 2007, dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang được triển khai với vốn tài trợ 77 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, chỉ có vài tuyến cống được lắp đặt, trong đó có tuyến cống hộp song song với đường sắt từ Mã Vòng ra sông Quán Trường ở xã Vĩnh Hiệp. Thế nhưng, mùa mưa năm 2010, các tuyến cống này xem như “vô dụng” khi nước không thoát ra như thiết kế. Lý do được lãnh đạo địa phương giải thích: lượng mưa quá lớn (!?).
Đến nay, vốn của dự án này đã tăng lên đến 93,6 triệu USD nhưng cũng chỉ đủ đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục cho phía Nam TP Nha Trang. Dự án hiện đang bế tắc vì phát sinh một số vấn đề do phải chờ những dự án khác hoàn thành mới có thể khớp nối, như dự án điều chỉnh thiết kế các dự án khu đô thị phía Tây Nha Trang; dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường... Trong khi đó, dự án xử lý nước thải ở phía Bắc TP, công suất xử lý nước thải 14.000m3/ngày đêm đang bị ngưng do thiếu vốn.
Gấp gáp di dời
Vịnh Nha Trang không chỉ trông chờ vào dự án cải thiện vệ sinh môi trường của TP. Một chỉ thị nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang đã được ban hành để cứu lấy vịnh và hướng đến quy hoạch du lịch biển và các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển.
Theo chỉ thị, chậm nhất đến cuối tháng này, TP Nha Trang phải phối hợp với các cơ quan liên quan giải tỏa ngay các vật nổi trên mặt nước, các bẫy đánh bắt thủy sản tại bãi biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng và xung quanh các đảo...
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là với thời gian quá gấp, nhiều hộ đang nuôi các loại thủy sản trong vịnh với chu kỳ nuôi khác nhau nên việc tháo dỡ, di chuyển số lồng bè đi nơi khác (khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ở phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăn nuôi của họ, thậm chí gây nhiều tổn thất lớn.
Ông Mai Tân, Tổ trưởng Tổ dân cư Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, cho biết, việc di dời lồng bè theo chủ trương của tỉnh, dân đều đồng thuận, vì vịnh Nha Trang sẽ thông thoáng, giảm ô nhiễm... nhưng thời gian thực hiện quá ngắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các loại thủy sản đã nuôi.
Có cùng tâm tư, ông Phạm Văn Tờ, 78 tuổi, ở đảo Đầm Bấy, phường Vĩnh Nguyên, nghẹn ngào: “Ngày 29-4, chúng tôi mới nhận được thông báo có thời gian 1 tháng để tự tháo dỡ lồng bè, trong khi phía tỉnh chỉ hỗ trợ 150.000 đồng/lồng nuôi. Đáng lẽ ra phải báo trước một năm để dân chuẩn bị và chủ động việc nuôi thả tôm cá”.
VĂN NGỌC