Đa dạng hay phân cấp học sinh?

Một số trường tiểu học và THCS hiện nay tại TPHCM đang tồn tại cùng lúc 3 chương trình dạy tiếng Anh: chương trình thường, tiếng Anh tăng cường và chương trình quốc tế Cambridge. Sự đa dạng mô hình giảng dạy giúp phụ huynh, học sinh có nhiều lựa chọn hình thức học phù hợp hơn. Nhiều người phấn khởi vì các nhà giáo dục đã bắt đầu “thức thời” tuân thủ theo quy luật cung - cầu, lắng nghe nhu cầu “người tiêu dùng” và đáp ứng bằng những chương trình có chất lượng cao hơn. Tất nhiên, tiền nào… chất lượng nấy và vấn đề nảy sinh từ đây.

Sự đa dạng mô hình học trong nhà trường phổ thông là ý tưởng tích cực từ các nhà quản lý. Đặc biệt, việc giảng dạy ở một số môn chính bằng tiếng Anh tạo điều kiện để học sinh tiếp cận ngoại ngữ tốt hơn. Nhưng khi triển khai vào thực tế khiến nhiều người băn khoăn: phải chăng sự đa dạng này đang dẫn đến sự phân cấp đối với học trò.

Chương trình Cambridge không thể là sân chơi của con em lao động nghèo vì tiền học lẫn sách vở đều được tính bằng “đô”. Ngay ở bậc tiểu học, học phí cho các em theo học chương trình này là 450 USD/3 tháng, tiền sách mỗi tháng là 150 USD và phải đóng nguyên năm… Làm một phép so sánh nhỏ giữa các chương trình sẽ thấy ngay con nhà giàu có nhiều “đặc quyền” như lớp học sĩ số giới hạn chưa đến 30 học sinh, ưu tiên được học bán trú.

Các lớp tiếng Anh tăng cường theo quy định của ngành phải có sĩ số tối đa 35 học sinh/lớp, nay cũng bắt đầu đông đúc hơn vì bỗng bị rớt xuống thành những “công dân hạng 2” ở trường. Trường lớp không thể “nở” thêm nên buộc lòng các trường có tổ chức chương trình Cambridge phải dồn các lớp khác lại. Khi những lớp theo mô hình mới càng lý tưởng thì các lớp thường phải “gánh” sĩ số ngấp nghé 50 trò và thường không được ưu tiên học bán trú, học 2 buổi…

Mô hình tiếng Anh Cambridge được Sở GD-ĐT TPHCM đưa vào thí điểm từ đầu năm 2010 và đến nay có 2 trường tiểu học và 3 trường THCS đang áp dụng chương trình này. Và đây là những trường được quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất tốt và đặc biệt số phụ huynh có khả năng kinh tế không ngại đầu tư cho con rất cao.

Theo học chương trình tiếng Anh Cambridge, học sinh sẽ được ưu tiên học 3 môn chính là Toán, tiếng Anh, khoa học bằng tiếng Anh và do giáo viên bản ngữ dạy. Các trường thí điểm chương trình Cambridge khẳng định, đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện và không có sự phân biệt nào giữa học sinh các chương trình. Nhưng rõ ràng, nhìn vào thực tế đang diễn ra từ tiền học, đến chương trình, đội ngũ giáo viên dễ thấy sự phân biệt giữa học trò.

Quan điểm xã hội, phụ huynh cùng đầu tư vào giáo dục là đúng. Người học có điều kiện có quyền lựa chọn những mô hình tiên tiến hơn và thụ hưởng những chương trình chất lượng tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Ngành giáo dục đang đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách đưa thêm những chương trình mới vào giảng dạy nhưng cũng không nên tạo ra sự bất bình đẳng. Những chương trình này được triển khai tại các trường ngoài công lập, phải chăng sẽ tốt hơn?

Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục