Một trong những thay đổi lớn của bộ mặt phim truyện Việt Nam hiện nay là số lượng phim xuất hiện trên màn ảnh nhỏ tương đối đều trên các kênh truyền hình phát sóng vào thời điểm “có khán giả”. Và, sức hút của phim chính là “có chuyện cho người ta bàn…”
Phim nhiều tập - Xu thế mạnh
![]() |
Diễn viên Lý Hùng và Thanh Trúc trong phim “Mưa thủy tinh”. |
Khác với xu hướng làm phim gói gọn “liệu cơm gắp mắm” trước đây, phim truyện truyền hình bây giờ phải tính từ con số một chục tập trở lên.
Ngay cả các phim ngắn trong chương trình Điện ảnh Chiều thứ bảy của Đài truyền hình Việt Nam hay chương trình Văn nghệ chủ nhật của Đài truyền hình TPHCM đã chuyển sang làm phim truyện nhiều tập cho “bằng chị, bằng em”.
Điều bất lợi chăng là các tập phim dài tập được phát sóng cách tuần nên khán giả khó theo dõi thấu đáo các tình tiết, tình huống truyện phim; có khi xem tập này đã quên mất tập trước.
Một ưu thế dành cho phim Việt Nam là được phát sóng trong giờ vàng, đánh bật phần nào các phim nước ngoài đã một thời “làm mưa, làm gió” trên màn ảnh nhỏ.
Chính vì vậy, đây là một thách thức lớn đối với việc sản xuất phim Việt. Liệu khán giả có đón nhận phim nồng nhiệt so với Tây du ký, Thiên long bát bộ, Truyền thuyết Ju-mong…? Đó là một bài toán khó! Nhưng, cũng chẳng phải chần chừ gì, loạt phim truyện Việt Nam phát sóng trên VTV1 suốt mấy tháng qua (tuy không phải phim nào cũng hay) nhưng đã tạo được dấu ấn mới cho dòng phim truyện Việt Nam nhiều tập.
Các nhà làm phim, có cả hãng phim tư nhân đã “mạnh dạn” đưa đến khán giả VTV loạt phim: Đột kích, Kẻ giấu mặt, Ma làng, Luật đời, Cổng trường thời mở cửa, Ninh Thạnh Lợi, Đất và lửa, Chàng trai đa cảm, Chạy án…
Làn sóng làm phim truyện
Con số 600 giờ phim Việt Nam phát sóng trong năm và theo Luật Điện ảnh, phải có 30% phim truyện Việt Nam phát sóng trong “giờ vàng” trên nhiều kênh truyền hình nên ngoài các hãng phim nhà nước, hãng phim tư nhân thì càng ngày có thêm đông đảo công ty quảng cáo - truyền thông tham gia sản xuất phim truyện.
Dưới nhiều “sắc áo” này, một số hãng phim, công ty quảng cáo - truyền thông đã “vào cuộc” theo quy luật cung-cầu như Hãng phim Việt (Công ty BHD), Hãng M&T Pictures (Công ty Quảng cáo Đất Việt), Hãng Senafilm, Hãng Lasta, Hãng Vifa, Hãng Đông A, Hãng Hành Tinh Xanh, Công ty Kiết Tường, Sóng Vàng, Cát Tiên Sa, Sao Thế giới, Crea TV, FPT…
Chọn cách thức nào làm phim cho phù hợp với yêu cầu sản xuất: kịch bản phù hợp, diễn viên diễn được, kinh phí phù hợp, quy trình đảm bảo…? Không kể một số hãng phim đã trang bị cơ sở trang thiết bị, máy móc, phim trường, các công ty quảng cáo phần lớn chọn cách thức hợp tác cùng một hãng phim sản xuất hoặc tự công ty bỏ tiền ra thuê “trọn gói” các nhà làm phim có kinh nghiệm thực hiện.
Trên cơ sở này, một số bộ phim đã và đang được thực hiện như: Gọi giấc mơ về, Một ngày không có em (Hãng Lasta); Hồi xuân, Lọ lem thời @ (Hãng Senfilm và Công ty Sóng Vàng); Ký túc xá, Tình yêu còn lại (Công ty Sao Thế giới và HTVC); Luật giang hồ, Acappella (Công ty Cát Tiên Sa và TFS), Tình yêu pha lê (Công ty Kiết Tường và Senafilm); Xanh mãi đồi trà (Hãng Hành Tinh Xanh và VTV9); Cỏ đuôi gà, Siêu mẫu xì-trum (Crea TV); Chit và Pi (FPT)…
Dòng phim nào ăn khách?
![]() |
Cảnh trong phim hình sự “Kẻ giấu mặt”, chương trình “giờ vàng phim Việt” trên VTV1. |
Trước đây, nhắc đến thể loại phim truyện lịch sử, người xem vẫn bình chọn Hãng TFS của Đài truyền hình TPHCM với những bộ phim hay, được thực hiện khá nghiêm túc như Ngọn nến hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa.
Song song, Trung tâm sản xuất phim Việt Nam (VFC) của Đài truyền hình Việt Nam được nhắc nhiều đến sê-ri phim Cảnh sát hình sự và một số phim tâm lý xã hội, đậm chất đời thường của người dân nông thôn và thành thị miền Bắc: Đất và người, Hương đất, Chuyện phố phường…
Hiện nay theo xu thế đổi mới, các nhà đài đã mở rộng cửa hợp tác cùng các hãng phim tư nhân, các công ty quảng cáo. Thể loại phim sitcom (dạng phim hài tình huống đã được đạo diễn Vinh Hương “phát pháo” đầu tiên vào năm 2005 với Lẵng hoa tình yêu trên HTV) được du nhập từ nước ngoài và được các nhà biên kịch Việt hóa cho phù hợp với không gian, hoàn cảnh, con người Việt Nam: phim Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ.
Hai phim sitcom này đang là đề tài “nóng” của khán giả màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, với nhiều cách cảm nhận, khán giả có khen, có chê và nhờ cách làm phim tương tác, người xem có thể góp ý cho những nhà làm phim về nhân vật, tình tiết nào chưa phù hợp.
Nhờ vậy, đạo diễn có thể chỉnh sửa phim kịp thời ở những tập kế tiếp. Thế nhưng, xen kẽ vào những dạng phim Việt hóa này, khán giả mong muốn được xem phim tình cảm tâm lý xã hội có “chất liệu sống” của Việt Nam nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm thích hợp để các phim tâm lý xã hội hơi dài như Tình yêu còn lại và Chàng trai đa cảm được khán giả đón nhận và Chạy án phần 2 tiếp tục được theo dõi.
Sự xuất hiện các phim tâm lý tình cảm xã hội trên kênh HTV7, HTV9 tuy đáp ứng phần nào nhu cầu người xem nhưng với nội dung, mô-típ nhân vật, tình huống trong Tình yêu còn lại, Tình yêu pha lê, Mưa thủy tinh, Lọ lem thời @..., khán giả vẫn báo động “coi chừng nhàm vì có sự lặp lại”.
Nhìn lại, phim truyện truyền hình sản xuất tương đối đa dạng, tuy nhiên, dòng phim nào được coi là “ăn khách” nhất hiện nay, vẫn chưa định hình rõ nét!
KIM ỬNG
Các tin, bài viết khác
-
Quân A.P ra mắt MV mới “Yêu cuộc đời hơn”
-
Không thể mạnh ai nấy làm
-
Trào lưu phát triển bền vững trong thời trang và nội thất
-
Sắp ra mắt bộ truyện tranh Nhật Bản về bóng đá Việt
-
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL mong muốn có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
-
Đoàn Hồng Trang mang áo dài lụa vẽ Hội An đến Miss Global 2022
-
Phim truyền hình đầu tay của “đạo diễn triệu đô” Victor Vũ sắp lên sóng
-
Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews
-
NTK Võ Việt Chung hợp tác Hiệp hội Thiết kế TPHCM công bố 3 dự án thời trang lớn
-
Văn học tuổi 20 lần 7: Tiếp tục không tìm ra giải Nhất