Đà Lạt: 30% du khách ở nhà dân

Ngày 15-2, nhiều khách du lịch từ TPHCM và các tỉnh lân cận vẫn tiếp tục lên Đà Lạt du xuân, khiến thành phố này tiếp diễn tình trạng quá tải. Nhiều du khách đến Đà Lạt vào chiều 15-2 cho biết, họ không thể tìm được phòng nghỉ, một số được người quen hướng dẫn quay trở lại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt khoảng 30km) để nghỉ lại. Cá biệt, có trường hợp vượt 300km từ TPHCM lên Đà Lạt nhưng không tìm được chỗ nghỉ nên đành “uống ly cà phê Đà Lạt rồi quay về”.

(SGGP).- Ngày 15-2, nhiều khách du lịch từ TPHCM và các tỉnh lân cận vẫn tiếp tục lên Đà Lạt du xuân, khiến thành phố này tiếp diễn tình trạng quá tải. Nhiều du khách đến Đà Lạt vào chiều 15-2 cho biết, họ không thể tìm được phòng nghỉ, một số được người quen hướng dẫn quay trở lại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt khoảng 30km) để nghỉ lại. Cá biệt, có trường hợp vượt 300km từ TPHCM lên Đà Lạt nhưng không tìm được chỗ nghỉ nên đành “uống ly cà phê Đà Lạt rồi quay về”.

Chiều cùng ngày, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, do hệ thống khách sạn với sức chứa 42.000 khách/ngày của Đà Lạt quá tải nên nhiều nhà dân và nhà trọ sinh viên đã mở cửa đón khách. Thống kê sơ bộ từ ngày 29 đến mùng 4 Tết, Đà Lạt đón gần 212.000 lượt khách, ước tính đến hết ngày mùng 8 Tết, lượng khách sẽ đạt 370.000 lượt, trong đó 30% khách lưu trú tại nhà dân. Giá khách sạn cũng tăng từ 50% - 150% trong dịp tết.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng khách du lịch đến các điểm giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Langbian (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) tăng đột biến. Đại diện nhóm cồng chiêng Păng Ting Sin (thị trấn Lạc Dương) cho biết, lượng khách tập trung cao điểm nhất là từ mùng 2 - 6 mùng Tết, mỗi đêm một điểm biểu diễn cồng chiêng đón 20 - 30 đoàn với trên 1.000 khách, tăng 10 lần so với ngày thường. Một số nhóm cồng chiêng quá tải khách, phải rút ngắn thời gian diễn và thuê thêm sân bãi để phục vụ khách.

Trong các ngày tết, phóng viên Báo SGGP đến khu vực bến cảng Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) để ghi nhận không khí vui xuân tại đây. Trong khi tác nghiệp, chúng tôi phát hiện giá gửi xe máy, xe ô tô tại khuôn viên cảng bị nhân viên tại đây thao túng nhằm “móc túi” du khách. Thế nhưng, khi chúng tôi tiếp cận một số nhân viên giữ xe tại đây để tìm hiểu, không những không được hợp tác mà còn bị hăm dọa. Ngang ngược hơn, trong khi chúng tôi chụp ảnh cảnh xe đậu tại khuôn viên cảng để minh họa, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng phòng Quản lý bến tàu và dịch vụ du lịch, thuộc Ban quản lý vịnh Nha Trang hùng hổ đến truy hỏi: “Vì sao chụp ảnh mà không báo... Chụp ảnh kiểu đó có ngày bị ăn đòn?!”. Đại diện bến cảng Cầu Đá cho biết, giá xe máy quy định gửi tại bến là 2.000 đồng/chiếc, còn xe ô tô loại 4 chỗ là 10.000 đồng/chiếc, nếu trên 15 chỗ là 15.000 đồng/chiếc. Thế nhưng, thực tế riêng giá gửi xe máy tại bến cảng này đã có giá 10.000 đồng/chiếc… ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, nói sẽ kiểm tra sự việc mà PV phản ánh. Nếu phát hiện sai trái sẽ xử lý nghiêm.

Chiều 15-2, Ban quản lý (BQL) Cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) cho biết đã phải điều động tăng chuyến các tàu cao tốc từ Lý Sơn theo nhiều giờ khác nhau chạy vào đất liền theo tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại mới chở hết số lượng khách ra thăm đảo những ngày trong và sau tết. Theo ông Đặng Quang Sơn, Giám đốc BQL Cảng Sa Kỳ, các chuyến tàu chỉ tạm dừng hoạt động để nghỉ tết từ trưa ngày 29-12 đến 3-1 và bắt đầu vận chuyển hành khách từ ngày 13-2 (mùng 4 Tết). Ngay trong ngày đầu tiên, số khách ra đảo ước lên đến gần 1.000 người, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Để đưa hết số khách trên ra đảo, BQL đã phải điều động liên tục tất cả 5 lượt tàu khách cao tốc để chở phục vụ hành khách. Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, do lượng khách ra đảo tăng cao, huyện đã chỉ đạo các xã vận động các nhà dân cho du khách nghỉ nếu có nhu cầu.  

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục