Đà Nẵng: 4 định hướng lớn để phát triển ngoại giao kinh tế

Giai đoạn 2021-2025, công tác ngoại giao kinh tế tại TP Đà Nẵng sẽ tập trung vào 4 định hướng lớn, chú trọng bám sát tình hình mới, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII. Đó là một nội dung nằm trong Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao kinh tế 2016-2020 được UBND TP Đà Nẵng tổ chức chiều 12-3.

Hội nghị có sự tham dự của một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam
Hội nghị có sự tham dự của một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam

Tập trung 4 định hướng lớn

Việc thực hiện Đề án “Ngoại giao kinh tế TP Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020” đã đem lại những kết quả tích cực về kinh tế đối ngoại cũng như làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương, tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó, Đà Nẵng dần xây dựng được hình ảnh một thành phố phát triển năng động và thương hiệu địa điểm đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến du lịch được yêu thích, thành phố của các sự kiện quốc tế mang sức lan tỏa lớn.

Đà Nẵng: 4 định hướng lớn để phát triển ngoại giao kinh tế ảnh 1 Là những người làm đối ngoại, qua tiếp xúc, Bộ Ngoại giao đã cảm nhận được rõ ràng những tình cảm của bạn bè quốc tế thông qua thành công năm APEC 2017
TP Đà Nẵng cũng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 45 địa phương của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều thỏa thuận được ký kết và triển khai với các định chế tài chính quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, công ty nước ngoài nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng và phát triển thành phố, cũng như công tác quảng bá, kết nối đầu tư, thương mại, du lịch. Đà Nẵng cũng đã tham gia nhiều mạng lưới quốc tế, nâng cao vị thế của thành phố như CityNet, Asia Pacific City Summit, ASEAN Smart City Network...
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, trong tình hình thế giới luôn biến đổi đòi hỏi sự nhạy bén thích ứng từ phía chính quyền, doanh nghiệp, những cầu nối hiệu quả trong công tác ngoại giao kinh tế sẽ hỗ trợ tích cực cho chính quyền, doanh nghiệp cùng phát triển.

Trong 5 năm tới, Đà Nẵng sẽ đề ra các kế hoạch dài hạn, phương hướng và trọng tâm ngoại giao kinh tế, thiết thực phục vụ cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, theo 4 định hướng:

+ Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo về chính trị thế giới, những xu hướng mới về dịch chuyển kinh tế toàn cầu để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển tổng thể của thành phố;

+ Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các nguồn lực và lợi thế sẵn có, chú trọng đối ngoại đa phương để đẩy mạnh hội nhập, giao lưu kinh tế, thương mại quốc tế phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển, nhu cầu thực chất của địa phương, khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP...;

+ Đổi mới hình thức, quy mô, cách thức triển khai ngoại giao kinh tế, nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư,... trong tình hình mới.

+ Đà Nẵng sẽ nỗ lực nâng cao trình độ, năng lực về hội nhập quốc tế cho cơ quan địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp, xây dựng mối liên hệ, hợp tác với cộng đồng kiều bào, chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài.

Đổi mới cách thức, quy mô

Lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng tốt, tốc độ tăng bình quân đạt 16,73%/năm, tăng 4,41% so với mục tiêu kế hoạch. Trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế đạt 29,15%/năm, tăng 16,83% so với kế hoạch, khách nội địa đạt 10,91%/năm, gần tương đương kế hoạch. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 2,791 triệu lượt, giảm 49,7% so với năm 2016, đạt 28,5% kế hoạch.

Góc nhìn từ các sở ban ngành

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đối với các địa phương phát triển du lịch, chính sách miễn thị thực (miễn visa), cải thiện nhu cầu miễn visa luôn là vũ khí cạnh tranh để thu hút khách. Đề án phát triển du lịch TP Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 đã xác định thị trường trọng điểm Đông Bắc Á sẽ tăng trưởng mạnh, thị trường Tây Âu được duy trì và tăng dần nhờ chính sách miễn thị thực, đồng thời mở rộng các thị trường tiềm năng Úc, Ấn Độ, Trung Đông, Nga. Tuy nhiên, thách thức lớn của ngành du lịch là tập trung phát triển nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ.

Trong những năm qua, với việc tham gia nhiều hơn vào các thể chế kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”, Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Đà Nẵng cần chú trọng đối ngoại đa phương để đẩy mạnh hội nhập, giao lưu kinh tế, thương mại quốc tế phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển, nhu cầu thực chất của địa phương, khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP...

Ðể tận dụng và phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được, nâng tầm sự tham gia, đóng góp và vai trò, kinh tế Đà Nẵng cần tập trung vào định hướng chính. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong các hoạt động và tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các FTA, đặc biệt chú trọng các hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP...

Trong đó, tập trung đi sâu vào các vấn đề: Các nội dung cam kết và lộ trình thực hiện của Việt Nam trong một số ngành hàng, lĩnh vực dịch vụ mà thành phố có thế mạnh và định hướng phát triển; các cam kết về đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại....

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thảo, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Bộ Ngoại giao cho biết, Đà Nẵng là một trong những thành phố đầu tiên xây dựng kế hoạch chiến lược dài hạn về ngoại giao kinh tế và đạt được những thành tựu to lớn. Đà Nẵng đã xây dựng một hình ảnh thành phố năng động, sáng tạo luôn luôn cầu thị lắng nghe và muốn làm bạn với tất cả bạn bè quốc tế để công tác ngoại giao kinh tế có thể đóng góp vào sự phát triển của TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thảo đề nghị Đà Nẵng nghiên cứu, lựa chọn các đối tác xứng đáng, tầm cỡ để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế. Cần có một kế hoạch tổng thể, trong đó định hướng rõ những hướng ưu tiên phát triển của Đà Nẵng.

“Công tác đối ngoại phải thực sự trở thành những radar thông tin nắm bắt tình hình xu hướng của thế giới để kiến nghị kịp thời cho lãnh đạo thành phố trong chỉ đạo điều hành. Để triển khai được Nghị quyết của Đảng Bộ thành phố Đà Nẵng thì công tác thông tin nghiên cứu học hỏi mô hình, bài học của những đô thị (giống như của Đà Nẵng) sẽ hết sức quan trong trong chỉ đạo điều hành đặc biệt trong bối cảnh biến động nhanh của thế giới hiện nay”, ông Nguyễn Văn Thảo cho hay.

Tin cùng chuyên mục