Đà Nẵng: Cây Mai Dương “tấn công” các khu dân cư

(SGGPO).-
Đà Nẵng: Cây Mai Dương “tấn công” các khu dân cư

(SGGPO).- Ngày 30-6, ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, trong khi các ngành chức năng Đà Nẵng còn vất vả trong việc xử lý loại dây leo bìm bìm đang làm chết hàng trăm ha rừng, thì hiện nay, thảm thực vật của thành phố đang bị đe dọa bởi sự “tấn công” của cây Mai Dương (còn gọi là cây mắt mèo, trinh nữ nâu).

Cây Mai Dương tấn công vào nhà dân ở khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Hùng

Cây Mai Dương tấn công vào nhà dân ở khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Quỳnh, cây Mai Dương chỉ mới xuất hiện gần đây, nhưng đến nay nó đã mọc dày, có rất nhiều bụi cây vươn cao quá đầu người, trổ hoa, kết trái dọc hai bên bờ sông Cẩm Lệ. Hiện, loại cây này đã tràn ra các khu dân cư mới, đặc biệt tại Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ loại cây này mọc rất nhiều. Cây Mai Dương làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, huỷ diệt hệ thực vật, động vật trong vùng…Thân cây Mai Dương khi chết sẽ phân huỷ tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…

Để hạn chế sự phát triển và diệt trừ cây mai dương, Sở Nông nghiệp Đà Nẵng cũng đã  yêu cầu các  địa phương tuyên truyền cho nông dân và các chủ đất phá bỏ triệt để Mai Dương con mới mọc; chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây mai dương; việc diệt trừ loại cây này cần tiến hành ở vụ hè - thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, lây lan phát triển…

Được biết, từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã xếp cây Mai Dương là một trong 100 loài sinh vật xâm hại, hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. Cây Mai Dương xâm nhập vào nước ta từ năm 1979, đến nay, đã xâm lấn hàng vạn héc-ta đất tại 45 tỉnh, thành phố. Ngày 1-6-2006, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương.

Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục