Đà Nẵng: Khắc phục sạt lở núi vùi lấp hàng trăm ngôi mộ ở Nghĩa trang Hòa Sơn

Ngày 24-10 (đã qua 10 ngày kể từ trận mưa lớn kèm theo lũ quét gây ra 6 điểm sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp và cuốn trôi 610 ngôi mộ tại Nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), lực lượng chức năng vẫn rất khó khăn để khắc phục.
Các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) vác từng bao tải đất đá ra ngoài để tìm mộ bị vùi lấp do sạt lở. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) vác từng bao tải đất đá ra ngoài để tìm mộ bị vùi lấp do sạt lở. Ảnh: XUÂN QUỲNH

 Đường đi vào Nghĩa trang Hòa Sơn còn nhiều chỗ ngập bùn, đất đá vương vãi. Tại điểm sạt lở ở đường số 1, nhiều tảng đá lớn, cây cối gãy đổ được lực lượng bộ đội khuân vác tập kết thành đống. Bà Lê Thị Hoa (46 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, nhiều khu mộ bị vùi lấp, phải nhờ bộ đội lật từng mảnh đá để tìm kiếm. “Phần mộ ba và chị hai tôi bị đất đá vùi lấp sâu hơn 2m, ngay cạnh con suối. Hôm qua, nhờ mấy chú bộ đội bới đào mới tìm ra”, bà Hoa kể…

Theo Thiếu tá Trần Minh Thảo, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng), xe cơ giới không thể vào bên trong nghĩa trang nên phải bỏ đất đá vào bao tải rồi vác ra ngoài, các công đoạn phải làm thủ công. Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý sự cố sạt lở tại Nghĩa trang Hòa Sơn, cho biết, hiện có hơn 800 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 315 (Quân khu 5), Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức lực lượng, phương tiện tiếp tục giúp dân khắc phục sạt lở tại Nghĩa trang Hòa Sơn. Với 610 ngôi mộ, ban nghĩa trang đã cắm biển cùng số điện thoại để người dân có mộ người thân bị vùi lấp liên hệ nhận sự hỗ trợ. Với những ngôi mộ vô danh, lực lượng chức năng tìm và bố trí sắp xếp lại tại chỗ, nếu vị trí không đảm bảo sẽ đề xuất chuyển vị trí phù hợp.

- Ngày 24-10, ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị, cho biết, tuyến đường tạm qua đoạn sạt lở, sụt lún trên tuyến quốc lộ 15D (đoạn qua địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông) được thông xe từ 17 giờ cùng ngày. 

- Cùng ngày, UBND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vừa đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng để bảo đảm an toàn giao thông trên quốc lộ 1A; đề nghị Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 chỉ đạo Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh kiểm tra các đoạn tuyến bị hư hỏng, có giải pháp khắc phục sửa chữa kịp thời… Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 4 kèm mưa lớn kéo dài, một số đoạn trên quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Can Lộc bị ngập cục bộ, hư hỏng nặng, nhiều đoạn bị sụt lún làm mất an toàn khi tham gia giao thông.

- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 26 đến 30-10, mực nước tại Vũng Tàu sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao. Độ cao mực nước lớn nhất tại Vũng Tàu trong đợt triều cường này có thể đạt 4,3m vào các ngày 26, 27 và 28-10. Triều cao tại ven biển Nam bộ duy trì trong các khung giờ 1-4 giờ và 13-17 giờ. Các khu vực trong đất liền có đỉnh triều xuất hiện trễ hơn 1-3 giờ, tùy thuộc vào khu vực. Do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.

Tại các khu vực khác thời tiết cũng diễn biến phức tạp. Từ nay đến đêm 26-10, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa cao nhất là 300mm. Từ đêm 25 đến ngày 26-10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5m. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động tại khu vực này đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Tin cùng chuyên mục