Đà Nẵng: Nhiều lực lượng chi viện các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19

Ngày lên đường chi viện, không một ai hỏi địa chỉ nơi đến, thời gian đi bao lâu, chỉ một quyết tâm lên đường chống dịch chiến thắng trở về. Đó là tâm trạng của những chiến sĩ 2 màu áo cũng như những sinh viên ngành y - người thầy thuốc trong tương lai.

Điều động 53 chiến sĩ 2 màu áo của Bệnh viện 199

Ngày 5-7, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đã tổ chức buổi lễ tiễn đoàn y - bác sĩ chi viện cho TP HCM. Theo đó, đoàn chi viện của Bệnh viện 199 gồm 53 người. Trong đó có 17 bác sĩ, 28 điều dưỡng, 6 kỹ thuật viên, 2 dược sĩ có kinh nghiệm tham gia chống dịch tại Đà Nẵng. Toàn bộ đoàn chi viện đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 tối thiểu 1 mũi. Ngay sau buổi lễ, đoàn sẽ khởi hành đi TPHCM và được phân công thực hiện công tác khám chữa bệnh và điều trị khi đến nơi.

Các chiến sĩ chuẩn bị lên đường
Vẫy tay tạm biệt trước khi lên đường

Bác sĩ CKII Trương Xuân Hùng, Phó Giám đốc, Trưởng đoàn chi viện Bệnh viện 199 cho biết, đơn vị đã điều động các cán bộ nhân viên y tế ở nhiều khoa phòng chức năng sẵn sàng phục vụ mọi công tác y tế tại TPHCM.

Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an động viện các y, bác sĩ Bệnh viện 199 lên đường chi viện TP HCM chống dịch

Ngoài 53 y, bác sĩ của Bệnh viện 199 còn có 34 y, bác sĩ của các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Công an sẽ chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, đây là đợt đầu lực lượng y tế công an nhân dân chi viện cho TPHCM và các tỉnh phía Nam. Khác với lần trước chủ yếu điều trị với người dân tỉnh Bắc Giang, lần này đối tượng chăm sóc có thể là đồng đội và phạm nhân - những người đang có những lầm lỗi với cộng đồng nên việc ứng xử cần phải hết sức nhân văn, tình người.

Trông ngóng để được chi viện

Trước đó, ngày 4-7, các cán bộ, sinh viên trường Đại học kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng đã lên đường đến điểm nóng chống dịch tại tỉnh Phú Yên. Đối với những sinh viên ngành y, khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, với họ được hỗ trợ tỉnh bạn lúc này là điều hạnh phúc đã ấp ủ bấy lâu nay.

Sinh viên Nguyễn Tấn Định cùng với bạn học thảo luận trước khi làm lễ ra quân

Là lần đầu tiên tham gia, Nguyễn Tấn Định (quê ở tỉnh Bình Định, SN 2000) cho biết, khi Đà Nẵng là tâm dịch, sau thực tập ở bệnh viện Đà Nẵng, Định phải đi cách ly nên khá tiếc nuối khi chưa có cơ hội tham gia chống dịch Covid-19 tại địa phương. Khi biết Định đăng ký đi hỗ trợ chống dịch, gia đình đã rất lo, thậm chí không cho đi. Định đã phải giải thích với gia đình rằng, con đường học y mà mình chọn là để phục vụ cộng đồng và đây là lúc người dân đang cần.

 
Thầy trò Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng động viên nhau trước giờ xuất quân

Ông Nguyễn Khắc Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số địa phương trên cả nước, với tinh thần tương thân tương ái, đơn vị đã huy động hơn 100 cán bộ, bác sĩ, sinh viên với tinh thần tình nguyện lên đường hỗ trợ tỉnh Phú Yên phòng, chống dịch.

Những người tham gia đợt tình nguyện này đều có kinh nghiệm và được tập huấn đầy đủ các kỹ năng, phương pháp phòng, chống dịch như truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm, khám sàng lọc… Hiện nhà trường còn hơn 300 sinh viên sẵn sàng lên đường chi viện, hỗ trợ phòng, chống dịch cho các tỉnh trên cả nước khi được điều động.

Chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho chuyến chi viện vào ngày 4-7

Bác sĩ CKII Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, một quan điểm chung của lãnh đạo địa phương và Bộ Y tế là làm thế nào có thể chia sẻ và hỗ trợ kịp thời với hệ thống y tế của cả nước, các tỉnh thành trước tình hình căng thẳng của dịch Covid-19. Trong đợt dịch vừa qua, TP Đà Nẵng cử đoàn y - bác sĩ chi viện cho tỉnh Bắc Giang, tỉnh Gia Lai được địa phương đánh giá cao. 

“Trải qua nhiều đợt dịch, TP Đà Nẵng có nhiều kinh nghiệm trong công tác chống dịch như điều trị, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm gộp,... Đặc biệt, hệ thống y tế của TP Đà Nẵng có sự đoàn kết, nhất trí rất cao với hệ thống y tế bộ ngành, địa phương, tư nhân,... sức mạnh tổng hợp để chia sẻ giúp đỡ khi cần. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng tâm thế khi được điều động”, bà Yến chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục