Đà Nẵng nhìn lại để hướng tới tương lai

Đà Nẵng đã đến lúc nhìn lại chặng đường phát triển “nóng” trong vài thập niên qua để có định hướng, quy hoạch một cách phù hợp với xu thế phát triển. 

Bởi, việc phát triển công nghiệp sẽ tạo ra nhiều xung đột trong phát triển dịch vụ du lịch, thậm chí triệt tiêu những yếu tố sinh thái độc nhất vô nhị mà thành phố này đang sở hữu.

Đà Nẵng nhìn lại để hướng tới tương lai ảnh 1 Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: MINH THẠNH

Nếu không kiểm soát sẽ xuất hiện 3 mô hình tiêu cực

Báo cáo tại hội thảo “Những khó khăn - thách thức mục tiêu phát triển bền vững của TP Đà Nẵng trong tương lai” tổ chức tại TP Đà Nẵng mới đây cho biết: Quỹ đất và phát triển dân số đang tỷ lệ nghịch với nhau. Vì vậy, mục tiêu 3 triệu dân vào năm 2030 gắn với phát triển kinh tế cũng như tính bền vững của môi trường xã hội là một thách thức lớn.

Để tạo được hình ảnh hấp dẫn của một thành phố môi trường mang tầm vóc quốc tế, TS. KTS Ngô Trung Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cảnh báo: Sẽ xuất hiện 3 mô hình tiêu cực nếu Đà Nẵng không kiểm soát.

Thứ nhất, tăng mật độ dân số có thể tạo nên tình hình xấu cho giao thông, nguy hại cho cảnh quan đô thị của trung tâm thành phố và có những tác động xấu đến xã hội. Thứ hai, phát triển dân số mật độ thấp ở các khu vực ven trung tâm và ngoại ô sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng đất không hiệu quả, khó cung cấp dịch vụ giao thông vận tải công cộng có hiệu quả. Thứ ba, việc phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc theo bãi biển và chân núi là một xu hướng tất yếu để phát triển du lịch Đà Nẵng nhưng lại tác động đến hệ sinh thái, những khu vực cần bảo tồn và thu hẹp diện tích bãi biển của người dân đang sống hiện nay.

Muốn phát triển TP Đà Nẵng bền vững phải đảm bảo các nguyên tắc: đô thị nén, phát triển định hướng vận tải công cộng.

Nhiều hệ lụy từ tăng trưởng “nóng”

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng nóng trong thời gian qua của Đà Nẵng để lại nhiều hệ lụy. Nổi cộm là vấn đề cạn kiệt quỹ đất xây dựng, áp lực về nhà ở, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội quá tải; ô nhiễm môi trường; việc làm…

Hiện tại, phúc lợi công cộng của thành phố còn hạn chế, chưa thu hút được nguồn nhân lực từ các tỉnh lân cận; diện tích đất dành cho cây xanh không nhiều, tỷ lệ cây xanh trong khu dân cư còn thiếu, chưa hình thành được công viên trung tâm cấp thành phố; hiện tượng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên tại một số khu vực; tình hình xử lý thoát nước và thu gom nước thải chưa triệt để... Trong khi đó, thành phố luôn bị thách thức bởi thường xuyên mưa bão, lũ lụt; tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt…

Trước những thách thức trong quá trình phát triển bền vững, GS-TS. kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Đà Nẵng cần phát triển theo chiều sâu, sử dụng tài nguyên đất, cảnh quan thiên nhiên sao cho chừng mực. Đà Nẵng cũng cần quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy tốt các giá trị những di sản thiên nhiên hiện có. Đồng thời thành phố phải phối hợp với các tỉnh lân cận về cung ứng các dịch vụ tài chính, kinh doanh, công nghệ thông tin …

Lấn biển để làm khu vực trung tâm

Gần đây TP Đà Nẵng chỉ đạo tổ chức cuộc thi kiến trúc quảng trường khu vực Trưng Vương, giải tỏa chợ Hàn để xây dựng trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khu vực từ Trưng Vương đến sông Hàn không thể là một trung tâm của 2- 3 triệu dân. “Quy hoạch chung xác định Đà Nẵng là thành phố đa trung tâm nhưng sau 20 năm xây dựng phát triển, ý tưởng đa trung tâm đã không trở thành hiện thực. Thực tế cho thấy Đà Nẵng không có trung tâm”, Ths. kiến trúc sư Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội Kiến Trúc sư Quảng Nam nhấn mạnh.

Đà Nẵng nhìn lại để hướng tới tương lai ảnh 2 Thành phố Đà Nẵng về đêm. Ảnh: MINH THẠNH

Theo kiến trúc sư Hoàng Sừ: “Lấn 300ha khu vực phía Đông trục đường Phạm Văn Đồng để xây dựng trung tâm chính thành phố là một giải pháp. Mở rộng trục nối nhà ga mới, lấn biển xây dựng quảng trường, tổ hợp các công trình trung tâm khu vực phía Bắc. Lấn sân bay Nước Mặn hơn 150ha xây dựng trung tâm khu vực phía Nam và khu đô thị cao cấp hướng biển. Cũng có thể lấn 150 ha sân bay Nước Mặn làm khu đô thị hiện đại hướng biển; lấn biển thêm 150 ha làm quảng trường, tổ hợp công trình quanh quảng trường thành khu đô thị trung tâm. Giải pháp 3, lấn sân bay Đà Nẵng và sân bay Nước Mặn xây dựng trung tâm đô thị và chuyển sân bay quốc tế Đà Nẵng vào sân bay Chu Lai sau năm 2030. Lấy 850 ha sân bay làm khu đô thị trung tâm bao gồm các tổ hợp trung tâm tài chính thế giới, ngân hàng, văn phòng, dịch vụ cao cấp và tổ hợp quảng trường – trung tâm hành chính mới của thành phố".

Tin cùng chuyên mục