Đà Nẵng: “Sốt” đất nghĩa địa

Trong khi đất ở cho người sống đang ế ẩm, “đóng băng” thì đất nghĩa địa lại “cháy” hàng. Hàng ngày, tại các nghĩa trang của Đà Nẵng số người tìm đến mua đất để dành cho người chết luôn tấp nập và tình trạng mua bán đất nghĩa địa trái phép vì thế cũng tăng lên.
Đà Nẵng: “Sốt” đất nghĩa địa

Trong khi đất ở cho người sống đang ế ẩm, “đóng băng” thì đất nghĩa địa lại “cháy” hàng. Hàng ngày, tại các nghĩa trang của Đà Nẵng số người tìm đến mua đất để dành cho người chết luôn tấp nập và tình trạng mua bán đất nghĩa địa trái phép vì thế cũng tăng lên.

  • Bán cả đất được cấp

Trong vai người đi tìm đất để lo hậu sự sau này cho ông bà, chúng tôi men theo con đường nhỏ lởm chởm đất đá dẫn vào khu Nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ngay lập tức có một thanh niên chạy theo hỏi: “Tìm đất phải không?”. Chúng tôi vừa gật đầu anh ta tiến tới chào hàng tức khắc.

Anh cho biết tên Sơn và đang có có 2 lô trong khu nghĩa địa Hòa Sơn, tổng cộng 83m². “Anh chị lấy tôi để giá 550.000 đồng/m². Đồng ý viết giấy luôn bây giờ”. Nói xong, “cò” Sơn rút ra tờ giấy khổ A3 trong đó vẽ chi chít và cho biết “bản đồ” của khu nghĩa địa. “Đây nè, chỉ còn từng này đất thôi, khu B2, B3 đã bán hết rồi. Mấy hôm nay người ta tìm mua đất dữ lắm. Mua thì đặt cọc liền bây giờ, không thì không còn đâu” - “cò” Sơn giục. Lấy lý do “hướng” đất không “đẹp” nên chúng tôi đề nghị Sơn tìm cho một miếng khác.

Dẫn tôi ra một khoảnh đất rộng chừng 50m², Sơn ra giá: “Miếng này hai mặt tiền nghe, ông bà nằm đây thì hết ý. Giá 600.000 đồng/m², nếu đồng ý thì tui điện cho anh họ liền”. “Vậy mua bán thế nào? Làm giấy tờ đàng hoàng chứ?”, chúng tôi thắc mắc. “Giấy viết tay, có chữ ký hai bên, số chứng minh nhân dân và lăn tay nữa. Yên tâm chưa?”, Sơn trấn an. “Vậy lỡ chính quyền thu hồi hay cưỡng chế thì sao?”, tôi tỏ vẻ lo lắng. “Cò” Sơn bĩu môi: “Mệt quá! Mua có mấy mét đất mà hỏi lắm thế. Người ta mua cả trăm, cả ngàn mét còn chưa sợ nữa kìa. Đất của ông bà để lại, ai dám thu hồi. Mộ đã chôn rồi thì đố thằng nào dám đập”.

Nhiều người xây mộ “gió” ở nghĩa địa Hòa Sơn chờ bán lại kiếm lời. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Nhiều người xây mộ “gió” ở nghĩa địa Hòa Sơn chờ bán lại kiếm lời. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những miếng đất nghĩa địa mà “cò” Sơn chào bán đều là đất vườn, đất trồng cây lâu năm của người dân quanh khu vực. Thậm chí, khoảnh đất “cò” Sơn chào bán với giá 550.000 đồng/m² nguyên là đất do UBND TP Đà Nẵng cấp cho hội đồng hương Nam Định để chôn cất những người có quê quán Nam Định sau khi qua đời tại Đà Nẵng. Thế nhưng, không hiểu vì sao đất này lại được bán ra bên ngoài một cách vô tội vạ. Thay vì những người có quê quán Nam Định được chôn cất tại khu đất này thì hầu hết trên bia mộ đều ghi quê quán: Đà Nẵng (!?).

Một cán bộ tại Ban nghĩa trang TP Đà Nẵng cho biết: Khoảng năm 2010, thành phố cấp cho hội đồng hương Nam Định một khu đất rộng khoảng 2 ha trong nghĩa trang Hòa Sơn. Từ đó đến nay, việc mua bán đất diễn ra lén lút. Khi người ta đến chôn thì mới biết: “Chúng tôi biết việc này nhưng cũng chỉ biết báo cáo với lãnh đạo Sở LĐTB-XH chứ không thể nào xử lý được” - vị cán bộ này cho biết.

  • Áp lực từ giải tỏa?

Việc mua bán đất để xây mộ chỉ rộ lên ở Hòa Sơn từ đầu năm đến nay khi Nghĩa trang Hòa Sơn gần như không còn chỗ trống. Nghĩa trang này rộng hơn 200ha nhưng có hơn 100.000 ngôi mộ, Nghĩa trang Hòa Ninh cách đó khoảng 7-8 km hiện đã ngót nghét 10.000 mộ.

Theo ông Phùng Quýt, Phó Ban nghĩa trang TP Đà Nẵng, sở dĩ đất nghĩa địa lên cơn “sốt” trong thời gian qua là do áp lực di dời mộ trong các dự án giải tỏa trên địa bàn thành phố chuyển về đây cải táng. Chỉ tính riêng trong năm 2012, theo kế hoạch có đến 37.000 mộ trong vùng giải tỏa sẽ di dời về cải táng tại Nghĩa trang Hòa Sơn và Hòa Ninh.

Bên cạnh đó, theo quy định của Ban Nghĩa trang thành phố, mỗi người chết chỉ được phân lô 1,3x3m, không được xây cao quá 1,5m và không được chọn hướng chôn cất theo ý gia đình. Điều này khiến nhiều người không thực hiện được mong muốn xây dựng mồ mả cho người đã khuất khang trang, rộng rãi và bề thế. Trong khi đó, những gia đình có của ăn của để bằng mọi giá mua cho được lô đất rộng rãi, “hướng đẹp” để làm nơi an nghỉ cho người thân. Điều này càng làm cho đất nghĩa địa trở nên khan hiếm.

Ông Trần Kim Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: “Địa phương biết việc mua bán đất mộ trái phép nên đã nhiều lần làm việc với Ban Quản lý nghĩa trang để phối hợp xử lý. Hầu hết họ bán bằng giấy tay, sang nhượng lén lút nên không dễ phát hiện. Khi chúng tôi đến thì mộ đã chôn rồi, lại liên quan đến vấn đề tâm linh nên khó cưỡng chế”. 

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục