Đà Nẵng xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản

Ngày 30-9, UBND TP Đà Nẵng, Bộ Thông tin - Truyền thông và Tổ Chức Xúc Tiến Thương Mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng” bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia gần 300 nhà đầu tư, doanh nghiệp ICT tiềm năng tại Nhật Bản.

Hội nghị trực tuyến các nhà đầu tư Nhật Bản tại điểm cầu TP Đà Nẵng
Hội nghị trực tuyến các nhà đầu tư Nhật Bản tại điểm cầu TP Đà Nẵng

Tính đến tháng 9-2020, Nhật Bản đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư tại Đà Nẵng với 214 dự án với tổng vốn hơn 816 triệu USD, phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Toàn thành phố hiện có 869 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3,518 tỷ USD.

Nhật Bản cũng là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 60 tỷ USD từ khoảng 4.200 dự án, trong đó có hơn 700 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT-TT.

Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, theo định hướng phát triển kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn 2045, TP Đà Nẵng sẽ phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; chú trọng thu hút đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Thành phố có nền kinh tế phát triển bền vững
“Để phát triển kinh tế theo định hướng, Đà Nẵng tập trung thu hút các dự án từ các nhà đầu tư có tiềm năng, trong đó, Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm mà thành phố hướng tới, đặc biệt với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, là ngành kinh tế mũi nhọn mà thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển”, ông Miên nói.
Đà Nẵng xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản ảnh 2 Đào tạo nguồn nhân lực chú trọng về CNTT
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là TP Đà Nẵng.

“Chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và là điểm đến đắt giá thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu trong tương lai”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Giai đoạn 1 "thung lũng Silicon" của Đà Nẵng đã hoàn thành
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết thêm, Việt Nam sẽ chuyển mạnh từ gia công, lắp rắp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Viet Nam” – sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh liên doanh, liên kết và thu hút các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư.

Để thu hút đầu tư ICT có hiệu quả, Việt Nam sẽ ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0. Phát triển hạ tầng mạng di động viễn thông, nâng cấp mạng di động 4G, thương mại hóa mạng di động 5G. Rà soát hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu bùng nổ kết nối và xử lý dữ liệu, nhu cầu đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tạo tiền đề cho sản xuất thông minh… 

Ứng dụng CNTT vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội

Trong khuôn khổ Hội nghị, chiều 30-9, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham gia kết nối doanh nghiệp (business matching) đối thoại trực tiếp với các đơn vị quản lý các Khu Công nghệ cao, Khu công viên phần mềm, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và Khu nhà xưởng Long Hậu tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để tìm kiểm cơ hội xúc tiến hợp tác đầu tư vào Đà Nẵng.

Được biết, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã tổ chức thành công 2 hội nghị trực tuyến Xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng tại thị trường châu Âu và Đài Loan (Trung Quốc). Dự kiến trong tháng 11 và 12-2020 sẽ có tiếp 3 hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến đối với thị trường Hàn Quốc, Đài Bắc và Đài Trung (Đài Loan (Trung Quốc)).

Tin cùng chuyên mục