Đa số ĐB đề nghị Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ áp dụng ở doanh nghiệp nhà nước

Có 264 ĐB (chiếm 61,11% tổng số ĐB cho ý kiến và 53,01% tổng số ĐB) đồng ý với phương án 2: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, còn ở các loại hình doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động khác thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật về lao động và các quy định hiện hành có liên quan.
Quang cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 8-11. Ảnh minh họa
Quang cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 8-11. Ảnh minh họa

Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản Số: 1704/BC-TTKQH gửi đến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), báo cáo về kết quả xin ý kiến về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, đã có 432 trong tổng số 498 ĐBQH gửi lại phiếu xin ý kiến.

Các nội dung cụ thể như sau. Về việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động trong dự thảo Luật, có 163 ĐB (chiếm 37,73% tổng số ĐB cho ý kiến và 32,73% tổng số ĐB) đồng ý với phương án 1: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở điều chỉnh cả việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động.

Có 264 ĐB (chiếm 61,11% tổng số ĐB cho ý kiến và 53,01% tổng số ĐB) đồng ý với phương án 2: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, còn ở các loại hình doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động khác thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật về lao động và các quy định hiện hành có liên quan.

Về việc thành lập ban thanh tra nhân dân, có 161 ĐB (chiếm 37,27% tổng số ĐB cho ý kiến và 32,33% tổng số ĐB) đồng ý với phương án 1: Thành lập ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, gồm xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng lao động nhưng có chỉnh lý thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tính chất, điều kiện của từng loại hình cơ sở, đặc biệt là ở khu vực ngoài nhà nước.

Có 262 ĐB (chiếm 60,65% tổng số ĐB cho ý kiến và 52,61% tổng số ĐB) đồng ý với phương án 2: Chỉ thành lập ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Về tên gọi của ban thanh tra nhân dân, có 209/432 ĐB (chiếm 48,38% tổng số ĐBQH cho ý kiến đồng ý với phương án 1: Đổi tên ban thanh tra nhân dân thành ban kiểm tra, giám sát của nhân dân. Có 219/432 ĐB (chiếm 50,69% tổng số ĐBQH cho ý kiến) đồng ý với phương án 2: Giữ tên gọi là ban thanh tra nhân dân.

Dự kiến, dự án luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp sáng 10-11.

Tin cùng chuyên mục