(SGGPO). – Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều tối 2-6, trả lời về nguyên nhân cá chết ở vùng biển miền Trung, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Có hơn 30 cơ quan bộ, ngành, địa phương vào cuộc để thu thập chứng cứ xác minh tìm ra nguyên nhân cá chết. Các cơ quan chức năng đã mời nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham gia để tìm nguyên nhân trên nguyên tắc dựa vào khoa học, khách quan, chặt chẽ về tính pháp lý.
Sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung
Trong quá trình điều tra, Thủ tướng chỉ đạo nếu phát hiện tổ chức cá nhân vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ tổ chức cá nhân nào. Đến nay, các nhà khoa học cũng đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập, tức là trước khi kết luận chính thức sẽ mời các nhà khoa học trong và ngoài nước để phản biện.
“Vì Chính phủ xác định đây là vấn đề rất quan trọng. Khi công bố phải bảo đảm tính chứng cứ, tính pháp lý, tính khách quan. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt bảo đảm môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên, môi trường biển được an toàn lâu dài, đó cũng là mong đợi của người dân”, ông Dũng lý giải vì sao chưa công bố nguyên nhân cá chết.
Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, trước mắt để kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại, Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ người dân, hỗ trợ thu mua hải sản cho dân, hỗ trợ các tàu thuyền phải ngừng ra khơi, lãi suất tiền vay vốn tín dụng...
Hiện nay, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế khảo sát vùng biển an toàn để đánh bắt hải sản, giao Bộ TN-MT rà soát tất cả các dự án có khả năng liên quan đến xả thải trên địa bàn cả nước để phòng ngừa, kiên quyết xử lý sai phạm nếu có vi phạm.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, các nhà khoa học đã nỗ lực để sớm tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, do kết quả điều tra nguyên nhân cá chết là kết quả tập thể của rất nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước, có nhiều ý kiến còn khác nhau, vì vậy cần phản biện kỹ trước khi công bố chính thức. Bởi bất cứ sai sót nào trong xác định nguyên nhân cũng dẫn đến sai lầm trong khắc phục hậu quả.
“Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến tổ chức cá nhân sai phạm, vì thế phải tìm đủ chứng cứ để xử lý, bởi Thủ tướng đã chỉ đạo không loại trừ bất cứ ai nếu phát hiện sai phạm. Vì vậy, cần thời gian thêm để điều tra chứng cứ”, ông Tuấn nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Dư luận quan tâm đến là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.
Sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô Chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2016, đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều thấp hơn so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn có nhiều vấn đề bức xúc. Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ năm 2016, không thay đổi mục tiêu và đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các hạn chế, khó khăn để đề ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng. Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Nguyễn Chí Dũng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12-2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,8%. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước; duy trì được xuất siêu (5 tháng xuất siêu 1,36 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu). Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội trong 5 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 5 tháng đã tăng 1,88%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn còn ở mức cao. Tai nạn giao thông, nhất là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tính riêng trong tháng 5-2016 vẫn còn cao (số người chết tăng 2,54% so với tháng 5-2015). |
PHAN THẢO - NG.HỮU