Đặc sản địa phương “rủ nhau” lên sàn thương mại điện tử

Thay vì phải đến cửa hàng, siêu thị, hoặc các kênh phân phối khác mới có thể mua được các sản phẩm đặc sản địa phương, thì nay người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua qua các sàn thương mại điện tử. 

Hồi tháng 4 năm nay, Bến Tre là địa phương đầu tiên được mời tham gia chương trình “Làng nghề đặc sản online” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp cùng Lazada tổ chức.

Tham gia chương trình này, Bến Tre đã giới thiệu và đưa các sản phẩm dừa tiếp cận người tiêu dùng cả nước. Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bến Tre, chương trình này đã mang lại nhiều hiệu quả, có sức lan tỏa lớn không chỉ với riêng doanh nghiệp (DN) kinh doanh sản phẩm dừa, mà các DN kinh doanh sản phẩm khác cũng được hưởng lợi.

Từ thành công này, sắp tới Sở Công thương tỉnh Bến Tre dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác với một số kênh thương mại điện tử khác để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa địa phương. 

Đặc sản địa phương “rủ nhau” lên sàn thương mại điện tử ảnh 1 Đưa nông sản lên sàn sẽ giúp người tiêu dùng có thể mua sắm dễ dàng

Sau Bến Tre, các địa phương khác như Long An, Đồng Tháp, An Giang… cũng đang có những kế hoạch riêng để đưa nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử, mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho người dân và DN địa phương; đồng thời giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đặc sản vùng miền với giá tốt. 

Như chia sẻ của ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, vừa qua sở này đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử và thành viên của hiệp hội để hỗ trợ DN An Giang tiếp cận kênh bán hàng mới này.

Những hoạt động hỗ trợ gồm tư vấn trực tiếp, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn từ việc mở gian hàng, xây dựng website và các công cụ quản lý hoạt động kinh doanh, các chương trình đào tạo miễn phí về kinh doanh trực tuyến…

Ông Nam tin tưởng rằng, thông qua các sàn thương mại điện tử (như Lazada, Fado, Amazon, Alibaba…), các nhà sản xuất, DN của An Giang sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cơ hội lựa chọn thị trường, lựa chọn đối tác xuất khẩu, không phải qua trung gian, giảm thiểu tình trạng bị ép giá. 

Theo đánh giá của giới kinh doanh, cách làm mới này đã giúp DN, nhà sản xuất nhỏ lẻ giảm chi phí bán hàng, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa và tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả. Về phía người tiêu dùng, họ được mua hàng thuận tiện hơn và dễ dàng lựa chọn những loại “đặc sản” từ các tỉnh xa mà không cần phải mất thời gian đi lại mua sắm.

Tin cùng chuyên mục