HƯỚNG TỚI BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII VÀ HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2011 - 2016

Đại biểu dân cử: Phải dám nói, dám quyết

Đại biểu dân cử: Phải dám nói, dám quyết

Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011 – 2016) đang trong giai đoạn hiệp thương cũng như chuẩn bị lấy ý kiến cử tri để chọn những đại biểu dân cử tiêu biểu nhất. TPHCM là đô thị lớn nhất nước với nhiều vấn đề đặt ra nên vai trò của người đại biểu dân cử càng trở nên quan trọng. Các ĐBQH đã nhận được rất nhiều kỳ vọng và cả những đòi hỏi từ mọi tầng lớp nhân dân.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Thấu hiểu cuộc sống người dân

Đại biểu dân cử phải là người thương dân, cảm thông với đời sống người dân. Để làm được điều đó, người ĐBQH phải biết hy sinh, hy sinh lợi ích cục bộ, hy sinh thời gian kiếm sống, nghỉ ngơi… Đại biểu có những người sẽ là công chức, là lãnh đạo của cơ quan nhà nước, vì vậy, những phát biểu đôi lúc sẽ đụng chạm, thậm chí ảnh hưởng đến “ghế” hoặc con đường thăng tiến nên phải sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình. Người đại biểu dân cử phải đứng về phía người dân và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Tôi luôn kỳ vọng có một sự thay đổi cơ cấu trong bầu cử, cần mở rộng các đối tượng như doanh nghiệp, nhà báo, trí thức hay một số người dân tiểu biểu như bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo.


 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam): Dũng cảm đấu tranh với sai trái

TPHCM đang chuyển mình nên có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra. Do vậy, Quốc hội cũng như HĐND TPHCM nhiệm kỳ mới cần tìm những gương mặt mới, những đại biểu xứng đáng. Đại biểu dân cử đại diện ý chí, tâm tư nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân, theo tôi phải là người có năng lực tổng hợp, tầm nhìn bao quát, trách nhiệm và quan trọng hơn cả là phải dũng cảm vì nếu thiếu tố chất này sẽ chỉ là một “nghị gật”. Phẩm chất, đức độ là quan trọng nhưng phải có tinh thần đấu tranh đối với những sai trái. Người đại biểu dân cử phải không sợ đụng chạm.

Tôi đơn cử, nếu đại biểu là doanh nghiệp, phải mạnh dạn đấu tranh cho quyền lợi chung của giới, chứ không phải ngồi vào ghế đại biểu dân cử để tìm cơ hội, quyền lợi cho riêng doanh nghiệp mình. Khi gặp một vấn đề nào đó liên quan đến quyền lợi cử tri và doanh nghiệp mình, phải chấp nhận hy sinh, chịu thiệt thòi quyền lợi của doanh nghiệp mình để đảm bảo quyền lợi của người dân.

 

Nhà báo Hoàng Liên Sơn (Thông tấn xã Việt Nam): Hãy vì lợi ích cử tri
 
Có lẽ không chỉ với riêng tôi mà cử tri cả nước nói chung cũng đều mong mỏi người đại biểu dân cử phải thật sự thể hiện được vai trò đại diện cho tiếng nói, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của cử tri. Để thể hiện được vai trò ấy, không gì khác hơn người đại biểu dân cử phải dám nói và dám quyết. Dám nói lên những tiếng nói đầy trách nhiệm, thẳng thắn, vì lợi ích của cử tri, những người đã bầu mình là người đại diện. Đó là những đại biểu không vì lợi ích của cá nhân, lợi ích cục bộ của địa phương, ngành, đơn vị của mình hay sợ va chạm mà e dè, né tránh trong các phát biểu, hay thậm chí là ngại phát biểu, không phát biểu trong các vấn đề được Quốc hội thảo luận, cả ở các cuộc họp tổ đại biểu, ở các phiên chất vấn toàn thể lẫn tại các cuộc giám sát.

Đi cùng với dám nói là dám quyết. Đại biểu dân cử phải thể hiện rõ vai trò, tư cách đại diện cử tri, hay nói đúng hơn phải thể hiện rõ “quyền lực” lá phiếu của mình trong việc tham gia quyết định, bỏ phiếu thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước.
 

Ông Nguyễn Hữu Châu (quận 3, TPHCM): Phải có bản lĩnh và trách nhiệm

Người đại biểu dân cử trước hết phải có lòng yêu nước và đứng ở góc độ của tình yêu đó mà thực thi trách nhiệm của một người đại biểu dân cử. Đại biểu dân cử cần đi nhiều, tiếp xúc dân nhiều hơn để lắng nghe các bức xúc, tâm sự của dân để làm “chất liệu” đem vào nghị trường, vào việc xây dựng các văn bản luật. Có vậy, văn bản luật khi được ban hành sẽ mau chóng đi vào đời sống, không phải sửa tới sửa lui, bổ sung mãi như hiện nay.

Bên cạnh trình độ am hiểu pháp luật, người đại biểu dân cử cần phải có năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm khi tiến hành các hoạt động giám sát, xây dựng luật. Bởi, không chỉ công nhận sự đúng, sai mà các đại biểu phải đề ra được các kiến nghị, biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh những sai phạm, trái luật của người khác, của các cơ quan nhà nước và các tổ chức.

V.ANH – H.HIỆP (ghi)

Tin cùng chuyên mục