Đại biểu HĐND TPHCM kiến nghị: Giải pháp cứu doanh nghiệp phải tới nơi tới chốn

Đại biểu HĐND TPHCM kiến nghị: Giải pháp cứu doanh nghiệp phải tới nơi tới chốn

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đã thật sự đủ mạnh chưa? Việc thực hiện 6 chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM, đặc biệt là chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hiện đã mang lại hiệu quả chưa? Đây là những nội dung sẽ được mổ xẻ trong phần thảo luận và chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII diễn ra vào ngày 11-7. Trước kỳ họp, PV Báo SGGP ghi nhận ý kiến một số đại biểu (ĐB) về vấn đề này.

Sản xuất xe đạp cho trẻ em tại Công ty Nhựa Chợ Lớn. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất xe đạp cho trẻ em tại Công ty Nhựa Chợ Lớn. Ảnh: Cao Thăng

  • ĐB Văn Đức Mười: Khoanh lại nợ, tạo chu kỳ cho vay mới

Tôi thấy 6 chương trình đột phá của TPHCM chưa đủ ngấm sâu, chưa được như sự kỳ vọng. Triển khai chỉ hơn 1 năm, trong công tác điều hành của TP chủ yếu là ban hành các văn bản chỉ đạo. Chưa kể, chương trình triển khai ngay trong thời điểm khó khăn do kinh tế suy giảm nên tác động không nhỏ đến chương trình.

Mặc dù vậy, cách nào đó cũng phải nhìn nhận, các chương trình này đã đạt những kết quả nhất định. Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã giúp cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt, với quyết định 33 của UBND TPHCM về hỗ trợ vốn tín dụng cho các dự án kích cầu, đã giải quyết được 32 dự án, có tác động mạnh đến việc bước đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, việc tổ chức, sắp xếp mạng lưới phân phối hàng hóa cũng đạt kết quả nhất định.

Tuy nhiên, hiệu quả chuyển dịch các ngành không đều. Cụ thể như lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, chưa thấy đột phá mà chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Hay đối với lĩnh vực y tế, đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng quản lý lỏng lẻo để cho các phòng khám đông y hoạt động là không chấp nhận. Do vậy, cần có sự chuyển biến đồng bộ.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Nhà nước cần có hướng giải quyết triệt để trong việc hấp thụ vốn tín dụng cho DN. Có vốn vay, DN mới có vòng quay chu kỳ sản xuất mới, cộng thêm việc giãn, giảm thuế GTGT sẽ giúp tạo giá thành thấp, kích thích tiêu thụ. Lãi suất giảm phải được DN hấp thụ. Phải gỡ ngay từ trong điều kiện cho vay bằng việc khoanh lại nợ, tạo chu kỳ cho vay mới.

  • ĐB Lâm Thiếu Quân: Nên giảm 50% mức đóng bảo hiểm xã hội

Trong bối cảnh kinh tế trong nước vừa lạm phát cao, vừa đình đốn sản xuất, các DN suy kiệt nguồn vốn, người lao động bị mất việc làm nhiều. Các giải pháp hỗ trợ vừa qua tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp như giãn thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa đủ liều, chủ yếu giúp DN khỏe mạnh, còn lại đa số DN đang gặp khó khăn vốn. Tôi sợ rằng, sự hỗ trợ này không đến được tay người lao động do các DN đang phải tập trung mọi nguồn tài chính để trả lãi vay ngân hàng. Trong khi đó, mức đóng bảo hiểm xã hội và y tế những năm vừa qua tăng liên tục từ 26,5% lên 29,5% và sẽ tăng lên 31,5% vào 2014.

Trong 2 năm (2012 và 2013), Nhà nước nên giảm 50% mức đóng BHXH của người lao động (từ 7% xuống 3,5%), khi đó mọi người lao động đều có thể được hỗ trợ để tồn tại ngay lúc khó khăn nhất hiện nay, không chờ đến khi về hưu. Việc tăng thu nhập thực tế của người lao động cũng sẽ làm tăng kích cầu cho toàn xã hội.

Đối với phạm vi TPHCM, tôi đề nghị UBND TP nghiên cứu thành lập Quỹ Đào tạo nhằm giúp đỡ DN đào tạo các chương trình quản lý nhằm nâng cao năng suất và giúp người lao động bồi dưỡng kỹ năng làm việc và chuyên môn kỹ thuật, ưu tiên những DN hoạt động trong các lĩnh vực thuộc diện khuyến khích phát triển của TP. Các quỹ đào tạo này có phần đóng góp từ ngân sách TP, một phần từ DN, công đoàn, các tổ chức xã hội, nguồn hỗ trợ quốc tế và từ sự chia sẻ hỗ trợ của chính các tổ chức và đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo.

  • ĐB Trần Quang Thắng: Linh hoạt giải quyết nợ xấu

Hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng cho các DN đang là giải pháp ưu tiên. Tuy nhiên, đa phần DN đang vướng nợ xấu, nếu theo điều kiện cho vay, họ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Chưa kể, nhiều DN vừa và nhỏ đang vướng nợ xấu ở ngân hàng, lại còn vướng nợ xấu ngoài xã hội, làm khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn. Không có thị trường, nhiều DN bị thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản. Nhà nước phải tác động hệ thống ngân hàng cứu DN.

Trong đó, ngân hàng cần linh hoạt trong việc xem xét giải quyết nợ xấu cho DN. Bởi lẽ, nhiều DN vướng nợ xấu tạm thời do tình hình khó khăn chung chứ không phải do họ lười biếng, năng lực kém nên cần phải hỗ trợ tốt đối tượng này để họ không bị chết yểu. Đặc biệt, các giải pháp của ngành ngân hàng khi đã công bố phải thực hiện đến nơi đến chốn, công khai minh bạch và trách nhiệm.

Vân Anh ghi

Tin cùng chuyên mục