(SGGPO).- Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Cần nói rõ về nợ công
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, báo cáo Chính phủ còn lạc quan, ví dụ như nhận định nền kinh tế đã phục hồi rõ nét. “Đánh giá cần khách quan, toàn diện hơn, để thể hiện được cuộc sống của người dân phải tương đồng với báo cáo. Thực tế cho thấy, chiều hướng phục hồi kinh tế chưa rõ nét, chất lượng cuộc sống của người dân nhiều thách thức, vì vậy không nên đánh giá lạc quan”, ĐB Dung nhận xét.
ĐB Võ Thị Dung và một số ĐB cũng đề nghị cần khắc phục những bất cập trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực quốc gia. “Rất nhiều chương trình an sinh xã hội, mục tiêu quốc gia đầu tư thì nhiều nhưng kết quả hạn chế. Vì vậy, Chính phủ phải rà soát, kiểm tra, đánh giá lại về nguồn lực quốc gia, không để tình trạng dàn trải chính sách như hiện nay, nhất là về tài nguyên, đất đai”, ĐB Võ Thị Dung nhấn mạnh.
Về vấn đề nợ công, đại biểu Võ Thị Dung phát biểu: Số nợ công theo báo cáo vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng liệu có an toàn không, nhất là trong bối cảnh còn nhiều thách thức hiện nay. Chính phủ cần có báo cáo rõ về vấn đề nợ công, Quốc hội cũng cần dành thời gian đúng mức để thảo luận thấu đáo về vấn đề này.
Rà lại đầu tư, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền
Một điểm chung mà các ĐBQH thảo luận sáng 23-5, đó là các ĐBQH đều bày tỏ những lo ngại về tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang diễn ra rất phức tạp, trong khi đó Việt Nam đang phải đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền lên hàng đầu. Các ĐBQH đều ủng hộ các giải pháp của Chính phủ, nhưng đề nghị trong tình trạng hiện nay phải tập trung nguồn lực, tinh thần và chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vì thế, cần giải pháp động viên toàn dân tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên để tăng nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khẳng định, chúng ta tin tuyệt đối vào chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng cần rà lại các dự án đầu tư, ưu tiên các dự án mang tính chiến lược quốc phòng.
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi buộc phải tự vệ thì tiềm lực, ngân sách quốc phòng như thế nào?. Phải chủ động để giành thắng lợi. ĐB Đỗ Văn Đương cũng đề nghị phải dự báo cho được sự ảnh hưởng rất nghiêm trọng của vấn đề biển Đông lên kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu, nợ công, công ăn việc làm trong năm 2014 và những năm tiếp theo. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, cần xem lại phân bổ ngân sách từ năm 2013 đến những năm tiếp theo, “ví dụ dự án nạo vét sông Hậu có cần gấp không? hay là nên dành nguồn đó để đóng tàu, cho ngư dân thuê tàu”.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) cũng cho rằng, cần rà lại các dự án trong năm 2014, cái nào không cần không cấp bách thì dừng, dự án nào chưa làm thì dừng ngay, để đầu tư cho quốc phòng cả trên bộ lẫn trên biển. Cùng với đó đầu tư các đội tàu cho ngư dân bám biển.
“Đề nghị dừng các lễ hội, festival. Họ cứ nói là xã hội hóa, nhưng tiền đó cũng là từ dân, doanh nghiệp đóng góp. Thay vì đóng góp vào những lễ hội thì chuyển sang các dự án hỗ trợ nông dân, ngư dân. Chính phủ cần quyết liệt việc này. Hiện nay chỗ nào cũng làm lễ hội, xúc tiến thương mại, du lịch nhưng hiệu quả chưa thấy đâu”, ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) phát biểu. ĐB Đỗ Văn Đương cũng đồng tình trong hoàn cảnh hiện nay phải “thắt lưng buộc bụng”, cấm các đoàn đi nước ngoài, hội họp không cần thiết, dành nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền. Cùng với đó, phải hướng thị trường ra EU và các khu vực khác.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) bức xúc: Cần làm rõ nguyên nhân vì sao chi sai chế độ. Nếu chế độ đã lỗi thời, khiến phải lách thì phải sửa đổi. Nếu chế độ đúng mà chi sai thì phải xử lý nghiêm. Chính phủ phải rà soát lại, báo cáo Quốc hội vào cuối năm. Tiền Nhà nước do nhân dân chắt chiu từng đồng để nộp thuế, cho nên phải có ý thức chi tiết kiệm, chi đúng, hiệu quả.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phải có báo cáo của Chính phủ trước toàn dân về tình hình hiện nay, nói rõ các giải pháp để nhân dân hiểu, chung sức một lòng cùng với Đảng, Nhà nước vượt qua thách thức, chứ nhân dân chỉ biết thông tin qua mạng, qua báo chí như hiện nay.
Nhà nước cần thành lập các đội tàu để hỗ trợ ngư dân bám biển
ĐB Trần Hoàng Ngân chỉ rõ, tình hình kinh tế vĩ mô đang đi đúng nhưng nhưng còn chậm. Năm 2013, GDP 5,42%. Bình quân 3 năm gần đây mỗi năm GDP tăng 5,6%, thấp hơn 3 năm trước đó. Hiệu quả đầu tư đã được cải thiện. Xuất siêu 5 tháng đầu năm khoảng 1 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại hối (35 tỷ USD), tỷ giá ổn định. Lạm phát được kiềm chế. Tuy nhiên, tình hình biển Đông gần đây, trong đó có vụ việc doanh nghiệp bị thiệt hại cũng gây ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, vì vậy cần phải chủ động mọi giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực.
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ báo cáo Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng về dài hạn, cần tái cơ cấu nền kinh tế và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, trước mắt cần đẩy nhanh 6 giải pháp. Trong đó hàng đầu là thu hút sức mạnh đoàn đoàn kết dân tộc, muốn thế các bộ ngành, địa phương phải giải quyết nhanh những kiến nghị của cử tri đã nêu tại kỳ họp này. Làm nhanh để tạo niềm tin cho dân, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Cùng với đó, làm nhanh, làm tốt chỉ đạo của Thủ tướng về hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư.
Đặc biệt, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cần đầu tư tốt cho nền nông nghiệp, tránh tình trạng "được mùa mất giá", chuyển từ sản xuất nhỏ sang lớn. “Đối với ngư dân, còn nghèo, tinh thần chiến đấu, bám biển cao, nhưng lại thiếu đội tàu tàu. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ đội tàu lớn cho ngư dân. Ngành GT-VT đã tiết kiệm 35.000 tỷ đồng do tái cơ cấu đầu tư, thay vì đầu tư cho đường bộ hãy đầu tư đội tàu cho ngư dân. Ngành dầu khí hưởng lợi nhiều từ biển, vì vậy cần đầu tư từ cổ tức của mình để hỗ trợ ngư dân.
Hầu hết các ĐBQH có chung đề xuất Nhà nước đầu tư thành lập các đội tàu để hỗ trợ ngư dân bám biển.
Băn khoăn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Chiều 23-5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua cơ bản đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng vốn, tài sản của DNNN để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế chính sách cho DNNN và hoạt động của DNNN cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập như: đầu tư vốn nhà nước vào tổ chức kinh tế thông qua Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực tế chưa được triển khai đầy đủ do hạn chế về tính khả thi. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý điều chỉnh các nhóm nội dung liên quan đến DNNN chưa được luật hóa kể từ thời điểm Luật DNNN năm 2003 hết hiệu lực. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 có phạm vi điều chỉnh tập trung vào việc thành lập, mô hình tổ chức của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhưng chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù cho DNNN như việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản; phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; cơ chế giám sát, công khai, minh bạch hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn kinh tế khó khăn gắn với an ninh, quốc phòng và đảm bảo chủ quyền quốc gia còn hạn chế. Ngoài ra, một số ngành nghề sản xuất kinh doanh được DNNN giữ thị phần lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Nhiều DNNN có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chậm đổi mới, chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu phát triển thị trường, chưa thích ứng với xu thế hội nhập; năng lực quản trị của doanh nghiệp, hệ thống quản trị nội bộ chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát các nguồn lực được giao.
Dù đồng ý với sự cần thiết ban hành luật nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho thấy nhiều băn khoăn trong điều chỉnh hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước hiện nay. Chẳng hạn, về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực mà nhà nước được đầu tư, đặc biệt lĩnh vực độc quyền nhà nước, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội... Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần quy định tách bạch rõ chức năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với hoạt động công ích. Loại ý kiến thứ ba đề nghị làm rõ việc có tiếp tục duy trì mô hình SCIC như hiện nay hay không. Theo Ủy ban Kinh tế, phạm vi đầu tư theo các hình thức đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định chi tiết tại dự thảo luật, đảm bảo tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng cũng cần xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực sẽ đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể. Theo đó, cần hạn chế tối đa việc nhà nước thành lập doanh nghiệp mới, cũng như làm rõ những ngành, lĩnh vực mà nhà nước cần tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp và đề nghị quy định cụ thể hơn về vai trò, mô hình hoạt động của doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
NGỌC QUANG
* Chiều 23-5, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Các ý kiến cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý: Dự thảo luật cần chế định rõ, không nên quy định theo kiểu “có thể”, làm cũng được, không cũng được; vì như vậy dễ dẫn đến thực hiện không thống nhất. Trong số các nội dung cụ thể, ĐB Tô Văn Tám lưu ý đến các quyền của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Ông Tám khuyến nghị: “Dự thảo Luật cần bổ sung quyền được giữ gìn bản sắc văn hóa, quyền được bảo hộ danh dự (cùng với các quyền được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền khác theo pháp luật Việt Nam đã được nêu trong dự thảo Luật).
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ quan tâm đến quy định mà – theo ông – chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam xây dựng dự án sản xuất kinh doanh. “Tại điều khoản về điều kiện cấp thị thực có nội dung yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có giấy chứng nhận đầu tư, nhưng để được cấp giấy này thì họ đã phải có cả một quá trình thăm dò, chuẩn bị, có khi mất đến vài năm ra – vào nước ta. Như vậy là chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư”, ông nói. Vẫn theo ĐB Nguyễn Thái Học, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ và cụ thể.
Đồng quan điểm với ông Học về công tác quản lý xuất nhập cảnh, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng, quy định như dự thảo Luật vẫn còn có “khoảng hở”, chưa hạn chế tình trạng người nước ngoài sử dụng visa du lịch hoặc giấy thông hành biên giới vào sâu trong nội địa, cư trú, lao động bất hợp pháp… Ngược lại, cón hững quy định trong dự Luật được ĐB Trang coi là không cần thiết, chẳng hạn như yêu cầu cơ sở cho người nước ngoài lưu trú phải nối mạng với cơ quan công an để khai báo, cung cấp thông tin…, bởi khi nhập cảnh, người nước ngoài đã phải khai báo đầy đủ rồi…
Phan Thảo - Anh Phương
>> Đồng tình cao BHYT là hình thức bắt buộc đối với mọi đối tượng