(SGGPO). – Sáng 24-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) cho thấy, về thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội, có ý kiến đề nghị không quy định cố định ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; có thể quy định vào thứ hai của tuần giữa tháng 5 và tháng 10 để tránh việc có thể phải khai mạc kỳ họp vào ngày thứ 6 của tuần. Có ý kiến đề nghị không khai mạc kỳ họp Quốc hội vào ngày thứ 6, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, TVQH cho rằng, việc quy định cụ thể thời điểm khai mạc hai kỳ họp thường lệ hàng năm là nhằm góp phần bảo đảm sự chủ động trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp cũng như tham gia kỳ họp của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đây cũng là thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội của các nhiệm kỳ Quốc hội từ khóa XI đến nay, đã được thực tế chứng minh là hợp lý. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thời điểm khai mạc đối với hai kỳ họp thường lệ là vào ngày 20-5 và 20-10 hàng năm; đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội đã bổ sung quy định để tránh khai mạc kỳ họp vào ngày thứ 6 của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm của ĐBQH, TVQH cho rằng, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, ĐBQH có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể Quốc hội, họp Tổ ĐBQH, Đoàn ĐBQH và các phiên họp khác và thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trường hợp không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại kỳ họp từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên vì lý do chính đáng thì ĐBQH phải báo cáo xin phép Chủ tịch Quốc hội. Trong trường hợp ĐBQH phải tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua hoặc thực hiện nhiệm vụ khác mà không thể tham gia phiên họp toàn thể, họp Tổ hoặc Đoàn ĐBQH thì đại biểu phảbáo cáo Trưởng đoàn ĐBQH hoặc Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Về phiên họp toàn thể của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị không nên quy định cứng thời gian trình bày tờ trình, báo cáo là 15 phút mà chỉ nên quy định tối đa là 10 phút. Nhiều ý kiến đề nghị không nên đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra (trừ các báo cáo về kinh tế - xã hội) mà nên dành thời gian này cho việc thảo luận tại hội trường. TVQH cho rằng, báo cáo thẩm tra là thủ tục bắt buộc. Cùng với quy định phải gửi trước hồ sơ, tài liệu đầy đủ để ĐBQH nghiên cứu, yêu cầu rút ngắn thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo trước Quốc hội đã được thực hiện ổn định từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay được thực tế chứng minh là hợp lý.
Về thảo luận tại phiên họp toàn thể, nhiều ý kiến đề nghị quy định rút ngắn thời gian phát biểu, tránh phát biểu trùng, không phát biểu quá hai lần; đại biểu không nên sử dụng bài phát biểu soạn sẵn; bổ sung quy định cho phép kéo dài thời gian phát biểu khi hết đại biểu đăng ký mà thời gian phiên họp vẫn còn; không quy định việc các cơ quan giải trình ngay tại phiên họp. Tuy nhiên, TVQH cho rằng, quy định về đăng ký thảo luận thông qua hệ thống điện tử, số lần phát biểu, thời gian phát biểu của mỗi ĐBQH và không quy định cách thức phát biểu là nhằm bảo đảm sự bình đẳng, chủ động của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến của mình khi phát biểu thảo luận tại nghị trường. Đây cũng là cách làm từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến nay, trở thành thông lệ trong hoạt động của Quốc hội và được đa số các vị ĐBQH tán thành. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc mời đại diện các bộ, ngành có liên quan báo cáo bổ sung hoặc giải trình tại phiên thảo luận là cần thiết để kịp thời làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tạo sự đồng thuận cao, tăng tính khả thi của các quy định khi được Quốc hội thông qua.
Có ý kiến đề nghị bố trí cách thức để ĐBQH tranh luận trực tiếp ngoài cách đăng ký phát biểu theo thứ tự, TVQH đã đề nghị Quốc hội cho tiếp thu để chỉ đạo việc bố trí cách thức để ĐBQH đăng ký tranh luận trực tiếp khi thảo luận ngoài cách đăng ký phát biểu theo thứ tự.
| |
Phan Thảo