Dải Gaza lại rung chuyển

Giao tranh ác liệt
Dải Gaza lại rung chuyển

Sáng 20-6, phía Palestine ở dải Gaza nã pháo sang miền Nam Israel sau khi phía Israel liên tục không kích Palestine suốt 3 ngày qua. Các vụ không kích của Israel xuống dải Gaza đã khiến ít nhất 6 người Palestine thiệt mạng, 5 người bị thương.

Người dân Palestine dọn dẹp vật dụng sau những đợt tấn công từ Israel. Ảnh: AFP

Người dân Palestine dọn dẹp vật dụng sau những đợt tấn công từ Israel. Ảnh: AFP

Giao tranh ác liệt

Theo AFP, ngày 19-6, lữ đoàn Ezzedine al-Qassam Brigades, nhánh vũ trang của Phong trào Hồi giáo Hamas hiện đang kiểm soát dải Gaza của Palestine, cho biết đã bắn 45 quả rocket Grad sang Israel nhằm trả đũa các vụ không kích. Người phát ngôn của Hamas xác nhận, đây là lần đầu tiên họ bắn loại rocket tầm xa này sang Israel kể từ tháng 4-2011, đồng thời nhấn mạnh việc này sẽ vẫn tiếp tục nếu Israel không ngừng không kích.

Về phía Israel, quân đội nước này cho biết tổng số quả rocket bắn qua Israel từ đầu năm đến nay lên 290 quả. Israel tuyên bố các đợt không kích đêm 19-6 là nhằm vào “các mục tiêu khủng bố”. Giao tranh tại dải Gaza căng thẳng nhất từ tháng 3 vừa qua với hơn 200 quả rocket đã được bắn sang Israel sau cuộc trả đũa kéo dài 4 ngày làm 26 người Palestine thiệt mạng. Hiện vẫn chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm gây ra cuộc tấn công ở biên giới Israel ngày 18-6. Điều này càng làm dấy lên lo ngại việc Israel có thể đổ lỗi cho các tay súng ở dải Gaza.

Tương lai u ám

Tạp chí chính trị Politique Internationale của Pháp số mới nhất vừa có bài viết về vấn đề dải Gaza có tựa đề “Tương lai nào cho dải Gaza”. Bài viết đề cập đến cuộc phỏng vấn gần đây mà báo chí Israel dành cho ông Avi Dichter - cựu Bộ trưởng an ninh nội địa, cựu Giám đốc cơ quan an ninh nội địa Israel và là thành viên của đảng Trung Tả Kadima. Ông Avi Dichter nhấn mạnh, Israel buộc phải chiếm đóng dải Gaza lần nữa để phá hủy cơ sở hạ tầng của các nhóm khủng bố nếu một thỏa thuận chính trị chưa được ký trong những tháng tới. Đây không phải là một chiến dịch chỉ diễn ra trong vài tuần mà là hành động kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, một quan chức giấu tên ở dải Gaza khẳng định Ai Cập đã triển khai các nỗ lực đối với các phong trào ở Palestine và cả Israel nhằm thiết lập lại trật tự. Cũng theo nhận định của Politique Internationale, chìa khóa cho tương lai của dải Gaza nằm trong bản chất của mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo của vùng lãnh thổ này và chính quyền mới của Ai Cập. Vấn đề duy nhất đặt ra liên quan đến liên minh giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và các Salafi. Trong khi quân đội Ai Cập, lãnh đạo đất nước từ khi Hosni Mubarak bị lật đổ, dường như đã quyết định tôn trọng các thỏa thuận hòa bình với Israel và liên tục trấn an Mỹ và Nhà nước Do Thái về vấn đề này, thì một cam kết như vậy không tồn tại ở tổ chức Anh em Hồi giáo và các đồng minh Salafi của họ.

Tháng 7-2010, các cơ quan an ninh Ai Cập đã thông báo phá hủy 400 đường hầm; thế nhưng, từ đầu năm 2011, người ta buộc phải thừa nhận rằng không những số đường hầm và lượng vũ khí đạn dược được chuyển tới dải Gaza gia tăng, mà quân đội cũng đã ngừng hoạt động kiểm soát và phá hủy chúng.

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục