Chiều 7-10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND TP Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Với đóng góp trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước, một Hà Nội với bề dày văn hiến, với truyền thống cách mạng và những trăn trở đi lên để xứng đáng với danh hiệu TP vì hòa bình đã hiện lên thật đầy đủ, rõ nét.
Những giá trị trường tồn
Trên thế giới, hiếm có thủ đô nào nước nào kết hợp được nhiều giá trị như Hà Nội. Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản, sông Hồng” trở thành kinh đô, 1.000 năm đã trôi qua. Với Thăng Long - Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị vô song mà biết bao thế hệ đã vất vả đắp xây bằng mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu. “Hà Nội của chúng ta là thế” - GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội thốt lên đầy cảm xúc khi báo cáo đề dẫn hội thảo.
GS Vũ Minh Giang cho rằng, nói đến vai trò của vĩ nhân trong sự nghiệp gìn giữ vị thế trung tâm của Thăng Long - Hà Nội không thể không nhắc tới đức Thái Tổ triều Lê và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Hồ Quý Ly dời đô vào Thanh Hóa để rồi phải chuốc lấy kết cục thảm bại khi chưa đầy 6 năm trị vì, ông đã bị giặc bắt sống ngay trong tòa thành đá được coi là kiên cố nhất trong lịch sử thành quách Việt Nam. Đất nước lâm vào cảnh lầm than trong vòng 20 năm. Khắc phục sai lầm của triều Hồ, Lê Lợi đã chiến thắng quân Minh và trả lại vị trí kinh đô cho Thăng Long. Người thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đã đề nghị và được Quốc hội thông qua, lấy Hà Nội làm thủ đô chính thức của Việt Nam, khi mà trước đó Phú Xuân (Huế) đã được nhà Nguyễn chọn làm kinh đô thay thế Thăng Long”- GS Giang khẳng định.
Sự đúng đắn trong quyết định của các bậc vĩ nhân được khẳng định bằng sự ủng hộ của toàn dân. Không biết từ bao giờ, lòng dân cả nước luôn hướng về Thăng Long - Hà Nội, vốn đã trở thành một hằng số, một giá trị trường tồn. Hầu như mỗi mốc son, những thời khắc trọng đại trong lịch sử phát triển của dân tộc đều xuất hiện những gương mặt, những con người hoặc sinh ra lớn lên, hoặc được trui rèn học tập nhiều năm tháng trên mảnh đất kinh kỳ. Đó là Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, là vua Trần Nhân Tông, Chu Văn An, là Nguyễn Trãi dù quê gốc ở Chí Linh nhưng con người thấm đẫm văn hóa Thăng Long... Đến thời đại Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Hà Nội đã làm nên lịch sử. Là một anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều - người đã hy sinh thân mình để quật ngã pháo đài bay B52 - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Là một GS Ngô Bảo Châu đã lao động sáng tạo quên mình, được trao giải thưởng Fields, làm thay đổi nhận thức của thế giới về năng lực trí tuệ Việt Nam, đem lại vinh quang cho dân tộc.
Thách thức của thủ đô ngàn năm
Bà Katherine Muller-Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, trong suốt chiều dài của lịch sử, nhiều TP là những chiếc nôi của văn minh và Thăng Long- Hà Nội là một trong số đó. Tuy nhiên, bà Marin cũng cho rằng, Hà Nội đang đứng trước thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là những thách thức liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa.
Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, Hà Nội đang bị sức ép từ dân số đô thị tăng quá nhanh, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. “Trong khi các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch lại chưa được kiểm soát tốt, khiến Hà Nội đang dần mất đi những vẻ đẹp vốn có. Nhiều di sản kiến trúc của TP đang dần xuống cấp hoặc biến mất, thêm vào đó là sự phát triển chưa đồng đều giữa ngoại thành và nội thành” - đồng chí Phạm Quang Nghị cho biết.
Chính từ những ưu tư đó, các ý kiến tại hội thảo cũng đã đi sâu vào các vấn đề kinh tế - xã hội của Hà Nội, điều kiện tự nhiên và môi trường, quy hoạch và quản lý đô thị, quan hệ giữa thủ đô với các vùng miền... Tất cả những ý kiến với mong muốn Hà Nội sẽ ngày càng phát triển hài hòa hơn.
“Quy hoạch Hà Nội, giải quyết triệt để các vấn nạn, phát triển kinh tế hài hòa, xây dựng lối sống đô thị mang phong cách Việt Nam và truyền thống thanh lịch của người Hà Nội, quản lý và khai thác có hiệu quả các nguồn lực là những vấn đề mà các đại biểu khuyến nghị cấp bách đối với sự nghiệp phát triển Hà Nội” - GS Vũ Minh Giang phát biểu.
Bà Marin nói: “Khi nói về Hà Nội, chúng ta nhắc đến hình ảnh tráng lệ của hồ Gươm, hương vị phở trong sớm mai và mùi hoa sữa khi thu về. Đó là những điều mà người dân sống hoặc tới thăm TP này có thể dễ dàng nhận thấy và chúng khắc sâu mãi trong ký ức họ”.
Bà Marin cũng đề nghị Hà Nội phải mở thêm nhiều không gian và đem lại những phương tiện để tận hưởng chúng một cách đầy đủ nhất, trong đó có thêm nhiều khu giải trí hơn, nhất là cho lớp trẻ. “TP cũng cần khuyến khích người dân có trách nhiệm giữ gìn Hà Nội sạch hơn và giảm bớt ô nhiễm âm thanh, tạo cơ sở cho một cuộc sống lành mạnh” - bà Marin nói.
>> GS Phùng Hữu Phú (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, tựu trung có 5 giá trị cốt lõi trong nền tảng văn minh - văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Đó là yêu nước; truyền thống trọng hiền, coi trọng tài năng và trí tuệ; nhân văn, nhân ái, khoan hậu, dung hòa; hào hoa thanh lịch trong lối sống, ứng xử hàng ngày; tiên phong hiện đại. |
Phan Thảo