Với hơn 7% dân số TPHCM bị mắc bệnh, đái tháo đường (ĐTĐ) đang là mối lo bệnh tật hiển hiện của nhiều người. Tình hình trên ngày càng gia tăng và có sự trẻ hóa đến mức báo động. Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống ĐTĐ (14-11), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống ĐTĐ vừa cảnh báo nếu không có sự kiểm soát mạnh mẽ, trong một vài năm tới, tỷ lệ mắc ĐTĐ tăng cao và ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ đáng ngại
Vừa chích xong mũi thuốc Insulin (giúp kiểm soát đường huyết), gương mặt anh B.V.Hòa (ngụ quận 8, TPHCM) phần nào tươi tỉnh hẳn. Đã 2 tháng qua, tuần nào anh Hòa cũng 2 - 3 lần phải vào Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương để khám và điều trị bệnh ĐTĐ. Từ khoảng 3 năm trở lại đây, BV Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận một số lượng không nhỏ bệnh nhân mắc ĐTĐ và gia tăng hàng năm 500 - 1.000 trường hợp.
Bác sĩ Phạm Văn Bùi, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương kiêm Phó Ban chỉ đạo phòng chống bệnh ĐTĐ TPHCM, cho biết hầu hết bệnh nhân đến khám và điều trị không hề nghĩ rằng bị bệnh ĐTĐ, đến khi thử đường huyết mới biết. Thậm chí, có trường hợp khi đến BV thì chân đã có dấu hiệu lở loét, mắt mờ hẳn nhưng người bệnh lẫn gia đình cứ tưởng bị nhiễm trùng. Thực chất đó là biến chứng nặng của bệnh ĐTĐ.
Theo GS-BS Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống bệnh ĐTĐ quốc gia, đây là một bệnh lý mãn tính không lây, liên quan đến dinh dưỡng, được coi như một trong 4 đại dịch của thế kỷ 21 do sự phát triển rất nhanh về tần suất mắc bệnh.
Thống kê mới đây, tỷ lệ ĐTĐ trên toàn quốc là 5%, tại TPHCM là hơn 7%. Điều đáng ngại, theo GS Nguyễn Văn Tiến, hơn 65% người bệnh không hề biết bị bệnh. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ người dân đã bắt đầu có dấu hiệu mắc ĐTĐ hay còn gọi là tiền ĐTĐ.
“Hiện tỷ lệ tiền ĐTĐ ở nước ta là 27%. Dự báo trong những năm tới những đối tượng này sẽ trở thành người bệnh nếu các yếu tố nguy cơ không được khống chế hiệu quả” - GS Nguyễn Văn Tiến cảnh báo.
Biến chứng nguy hiểm
Theo BS Nguyễn Đại Biên, Trưởng khoa khám BV Nhân dân 115, phần lớn những người đến khám được chẩn đoán mắc ĐTĐ là ngoài 45 tuổi. Ăn uống không kiểm soát khiến đường huyết không điều hòa bình thường là một phần nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ. Thực tế qua thăm khám, BS Biên cho rằng, có không ít trường hợp dù biết đã mắc bệnh nhưng vẫn không kiểm soát chế độ dinh dưỡng khiến bệnh càng nặng hơn.
Cùng với quan điểm trên, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho rằng các yếu tố nguy cơ bệnh ĐTĐ vẫn là béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, ít hoạt động thể lực và tiền căn di truyền.
Điều BS Diệp quan ngại là với tâm lý mẹ ăn cho con khỏe hay mẹ ăn bù cho con, nhiều thai phụ hiện nay cũng bị mắc ĐTĐ. Ghi nhận từ các bệnh viện phụ sản của TPHCM, có tới 5% thai phụ mắc ĐTĐ, còn có dấu hiệu mắc ĐTĐ thì cao hơn. “Các thai phụ mắc ĐTĐ có nguy cơ cao sinh con bị bệnh tật và dị tật. Các bà mẹ muốn con mình sinh ra khỏe mạnh bình thường thì đừng nghĩ thèm gì ăn đấy” - BS Diệp nói.
Cùng với đó là tỷ lệ trẻ em mắc ĐTĐ (chủ yếu mắc ĐTĐ tuýp 1) cũng đang là báo động. Khảo sát mới đây tại một số trường tiểu học ở TPHCM, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM ghi nhận tỷ lệ trẻ thừa cân - béo phì đã chiếm gần 30%, trong đó một phần không nhỏ có dấu hiệu bị mắc ĐTĐ. Theo BS Diệp, cách đây 10 năm, ĐTĐ chỉ xuất hiện ở độ tuổi 30 - 65, nhưng giờ đây tỷ lệ bệnh nhân 25 - 35 tuổi chiếm khá cao, khoảng 3%.
Theo các chuyên gia nội tiết, biến chứng do bệnh ĐTĐ gây ra rất nguy hiểm và nguy cơ tử vong cao. Trong đó, nổi bật là các biến chứng tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim); thận (đạm trong nước tiểu, suy thận); mắt (đục thủy tinh thể, mù mắt); thần kinh (dị cảm, tê tay chân); nhiễm trùng (da, đường tiểu, lao phổi, nhiễm trùng bàn chân). “Các biến chứng của bệnh ĐTĐ dẫn đến những hệ quả khó lường, và ở Việt Nam việc cắt cụt chân đối với bệnh nhân mắc ĐTĐ là chuyện thường ngày” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp nói.
Các chuyên gia về nội tiết nhìn nhận, nguyên nhân mắc bệnh ĐTĐ phần lớn là do gen di truyền nhưng giờ đây môi trường sống cũng được xác định là “thủ phạm”. “Con người thiếu hoạt động thể lực, lười vận động cộng với chế độ dinh dưỡng bất hợp lý và cuộc sống thường xuyên bị stress làm tăng mức đường huyết là một trong yếu tố gây gia tăng nhanh bệnh hiện nay” - GS-BS Nguyễn Văn Tiến nói.
TƯỜNG LÂM