Đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch hành động về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Theo đó, Đồng Tháp sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, ổn định diện tích đất canh tác lúa và sản lượng lúa hàng năm theo chỉ tiêu của Chính phủ và lợi ích của người dân. Nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống của người dân, phấn đấu đến năm 2030 tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao hơn gấp 2 lần so với năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tỉnh áp dụng đa dạng cây trồng, vật nuôi hướng đến nâng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng chế biến, góp phần đa dạng nguồn lương thực thực phẩm; nâng giá trị nông sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Song song đó, sẽ tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị. Tổ chức lại sản xuất thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết, quản lý theo chuỗi giá trị nông sản. Vận động người dân cùng tham gia nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là những vùng chuyên canh lớn. Tăng cường ứng dụng KHCN, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cây dược liệu gắn với truy xuất nguồn gốc…

Tỉnh Đồng Tháp cũng hình thành các trung tâm chế biến nông, thủy sản và thực phẩm để nâng cao giá trị, dinh dưỡng, đa dạng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Nâng cấp mạng lưới giao thông của tỉnh kết nối mạng lưới giao thông quốc gia; kêu gọi đầu tư hệ thống kho vận chuyển, kho nông sản kết hợp với cảng, bến bãi để hàng hóa lưu thông thuận lợi. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn và ngành, nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, có khả năng sơ chế, chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tới đây, Đồng Tháp tiếp tục đào tạo năng lực quản trị trang trại, doanh nghiệp, HTX và dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thực hiện chính sách xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến và lưu thông hàng hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu và nhu cầu người tiêu dùng…

Tin cùng chuyên mục