Tại hội thảo kiểm soát xuất khẩu do Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Công nghiệp và thương mại Nhật Bản tổ chức ngày 28-9 ở TPHCM, nhiều doanh nghiệp mới nghe đến khái niệm an ninh thương mại khi ông George Tan, Giám đốc Kiểm soát xuất khẩu châu Á - Công ty TNHH Bryan Cave Tư vấn quốc tế, trình bày về chiến lược kiểm soát thương mại (STC).
Cũng như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, an ninh thương mại là vấn đề còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đúng ra vấn đề này chỉ thật sự được chú ý khi khủng bố không còn là chuyện của một đất nước riêng lẻ nào. Theo đó, khi một nhóm người có ý đồ không tốt, có thể lợi dụng kẽ hở việc xuất nhập khẩu của một quốc gia nào đó để có được trong tay từng thiết bị hay sản phẩm cần thiết, từ đó tạo ra phương tiện có thể giết người hàng loạt.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thời gian qua, việc diễn ra một loạt vụ khủng bố tại một số khu vực nhạy cảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh mỗi quốc gia và cả khu vực. Vì vậy, việc kiểm soát xuất khẩu là yêu cầu cần thiết nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc do sự lơ là trong kiểm soát xuất khẩu góp phần gây ra. Ông George Tan cho biết, quan ngại của nhiều quốc gia là những sản phẩm kiêm dụng (đa dụng) có thể bị khai thác vào mục đích khác. Những mặt hàng kiêm dụng rất bình thường như dược phẩm, mỹ phẩm, chảo rán gia công đặc biệt, dầu gội hay thiết bị sản xuất rượu nho, chế biến thực phẩm, chế tạo sinh hóa, xử lý tài nguyên nước, công nghiệp dầu khí, dầu lửa, khí gas… hay những hàng hóa viễn thông như bộ định tuyến, GPS, thư điện tử… dùng trong công nghiệp nếu đến tay nhóm người nào đó có thể chế tạo thành hơi độc, vũ khí hóa học, làm giàu hạt nhân, dược phẩm sinh học trong quân sự.
Vì vậy, theo Bộ Kinh tế Công nghiệp và thương mại Nhật Bản, việc quản lý an ninh xuất khẩu là vấn đề thật sự cần thiết, nhằm phòng chống việc hàng hóa công nghệ có khả năng chuyển đổi thành vũ khí hoặc mục đích quân sự rơi vào tay quốc gia hay lực lượng khủng bố, dẫn đến nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, hoặc cũng có thể rơi vào tay những đối tượng có thể tiến hành những hoạt động quan ngại khác. Hiện nay, những nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương quan tâm đến việc quản lý, kiểm soát đầy đủ ngày càng nhiều như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Ấn Độ, Australia, New Zealand… Riêng khu vực ASEAN, năm 2011 Malaysia, Singapore đã hoàn thiện hệ thống quản lý xuất khẩu tổng hợp. Hiện tại, Philippines và Thái Lan cũng đang tích cực xem xét xây dựng hệ thống kiểm soát này. Quan ngại hiện nay là những nước khác trong khu vực, kể cả Việt Nam có thể trở thành “vùng trũng”, là nơi chuyển đường vòng những mặt hàng kiêm dụng để tránh bị kiểm soát nếu chưa kịp thời hoàn thiện việc kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo an ninh thương mại.
Theo ông Trần Thanh Hải, từ năm 2006, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định 12 đang được sửa đổi theo hướng xác lập thể chế pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch hơn với mục tiêu chính là nhất quán trong chính sách kiểm soát xuất khẩu của Việt Nam, không để phát tán các mặt hàng có nguy cơ gây nguy hại cho xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Công Phiên