Đảm bảo an toàn, an ninh hàng không ở mức cao nhất

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Công khai, minh bạch cơ sở tính giá xăng dầu

Ngày 15-7, bốn dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp thứ 29.

Tìm mô hình quản lý vốn nhà nước trong DNNN

Mô hình quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong số những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Báo cáo tại phiên họp của UBTVQH, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay, theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác. Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khi thành lập cơ quan độc lập, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mô hình nào phù hợp chứ không thành lập cơ quan mới, phát sinh bộ máy mới.

Xác định cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản

Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, kể cả hoạt động môi giới, là những vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm khi cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phân tích: “Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị quy định vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng như dự thảo luật, tuy nhiên, cần phải khảo sát, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thị trường thực tế hiện nay khi áp dụng quy định này”.

Về hoạt động môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Bộ Xây dựng quản lý về chương trình đào tạo, giấy phép công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản và kiểm tra, giám sát việc đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vì người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản sẽ được quyền hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc nên giao Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ này sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Gợi ý thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Có nhiều người môi giới bất động sản không được đào tạo gì nhưng họ lại làm rất tốt, vậy có nhất thiết phải cấp chứng chỉ mới được hành nghề không”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, kinh nghiệm các nước là đều phải quản lý rất chặt các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản. Vì việc làm này ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến quyền lợi cá nhân khách hàng mà cả các chủ đầu tư nữa.

Bổ sung chế tài đối với các hãng hàng không

Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để đảm bảo an toàn, an ninh hàng không ở mức cao nhất.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần quy định rõ trong luật về độ cao công trình để đảm bảo an ninh hàng không, không để tình trạng ai muốn xây dựng lại chạy đến cơ quan quản lý xin giấy phép. “Giấy phép khá nhiều loại nhưng theo như công luận đã đưa thì vẫn chưa đảm bảo an toàn”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở. Đáng lưu ý, để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ hàng không, các quy định có liên quan đến giá dịch vụ hàng không và các dịch vụ khác tại sân bay đã được nhiều thành viên UBTVQH rà soát, cho ý kiến cụ thể. UBTVQH tán thành việc Ban soạn thảo bổ sung vào dự luật chế tài đối với các hãng hàng không nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Để thống nhất quản lý thị trường quảng cáo sữa và nhất quán với mục tiêu khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ của Nhà nước Việt Nam, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí với quan điểm của Chính phủ xác định sản phẩm dinh dưỡng công thức follow-up formula sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không phải thức ăn bổ sung (thức ăn dặm) và do đó không được phép quảng cáo.

ANH THƯ


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Công khai, minh bạch cơ sở tính giá xăng dầu

(SGGP). – Chiều 15-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương về công tác điều hành giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2014 và phương hướng điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới tại các kỳ tính giá quy định tại Nghị định 84, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp đầu mối 10 đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm điều chỉnh giá bán lẻ ở mức hợp lý (dưới 500 đồng/lít, kg). Giá xăng sau đợt điều chỉnh ngày 7-7 hiện là 25.640 đồng/lít, trong đó Quỹ bình ổn chi sử dụng 500 đồng/lít. Mức giá bán lẻ xăng hiện nay đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đương 8.300 đồng/lít.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện đúng nguyên tắc điều hành giá xăng dầu quy định tại Nghị định 84 với các mục tiêu đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng; góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực; thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu và điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước hợp lý, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh được xu hướng giá thế giới.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công thương giải thích rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến, tình hình giá xăng dầu thế giới; phương án điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc của Nghị định 84; công khai, minh bạch về các cơ sở hình thành giá bản lẻ xăng dầu; về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp để dư luận và nhân dân nắm rõ và chia sẻ.

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhằm đưa công tác điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường, căn cơ, bài bản và công khai, minh bạch.

PHAN THẢO

*****

Giảm giá các mặt hàng thiết yếu tại sân bay

Ngày 15-7, phóng viên Báo SGGP đã có mặt trong chuyến công tác của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) giám sát việc cải thiện tình trạng chậm, hủy chuyến và siết chặt quản lý giá dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Theo ghi nhận của đoàn công tác, các cảng vụ, tổng công ty quản lý bay, các hãng hàng không đang rất nỗ lực để kéo giảm tình trạng chậm, hủy chuyến. Bà Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, cho biết: “Với sự tham gia của 4 hãng hàng không trong nước, 38 hãng hàng không quốc tế, đặc biệt là thêm sự có mặt Hãng hàng không Vietjet cùng sự tăng trưởng quá nhanh nhu cầu đi lại bằng máy bay giá rẻ đã khiến các cảng hàng không (CHK) đang lâm vào vào tình trạng quá tải. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng chậm hủy chuyến”.

Cũng theo bà Minh, tần suất bay cho phép trong giờ cao điểm của CHK Tân Sơn Nhất là 29 chuyến/giờ nhưng hiện đã khai thác đến 30 - 32 chuyến/giờ. Bên cạnh đó, các chuyến chậm, hủy bị đẩy vào giờ cao điểm càng làm cho nhiều máy bay phải chờ đường lăn gây tắc nghẽn và tình trạng chậm, hủy dây chuyền tất yếu xảy ra. Về năng lực thông qua CHK Tân Sơn Nhất, năm 2013 CHK này đã vượt công suất 20 triệu khách/năm. Hiện CHK Tân Sơn Nhất đã mở rộng bằng việc kết nối nhà ga đi và đến, cải tạo đầu nhà ga, mở thêm 36 quầy thủ tục, 4 băng chuyền hành lý, 2 khu vực soi chiếu an ninh… Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tình trạng ùn ứ vẫn không thể tránh khỏi. Đại diện Hãng hàng không Vietjet cũng chia sẻ, cơ sở hạ tầng tại các CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất hiện nay còn thiếu, không đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách của hãng.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục HKVN, Tổ trưởng Tổ giám sát tình trạng chậm, hủy chuyến cho biết, trong 2 ngày vừa qua, Tổ giám sát của Cục HKVN đã yêu cầu cảng vụ tăng khả năng phục vụ hành khách trong giờ cao điểm bằng cách bố trí lại mặt bằng hợp lý hơn, bổ sung diện tích cho khách hàng check in, quyết định mở thêm cổng, dẹp bớt quầy bán vé, bố trí lại dây chuyền soi chiếu an ninh… Những giải pháp này đã có tác dụng khá tích cực, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Một trong những nguyên nhân chậm, hủy chuyến nữa được nêu ra là từ phía khách hàng. Thực tế phần lớn hành khách của hãng không giá rẻ đều đang rất thiếu những hiểu biết, thông tin cần có khi sử dụng loại hình dịch vụ vận tải này, dẫn đến kéo dài thời gian làm thủ tục, thời gian lên, xuống máy bay…

Về giá cả dịch vụ phi hàng không, tại CHK Nội Bài, hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ đã thực hiện giảm giá bán các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, tại CHK Tân Sơn Nhất, Cảng vụ Hàng không miền Nam cùng các hãng đã tìm các giải pháp hiệp thương, kết quả là chậm nhất đến 16 giờ ngày 17-7, một số mặt hàng thiết yếu sẽ được 3 doanh nghiệp cung cấp giảm giá, mức giảm trung bình khoảng 30%, các nhà cung cấp dịch vụ cũng chấp thuận đa dạng hóa sản phẩm để tăng lựa chọn cho hành khách.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục