Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra không ít sự cố khi thi công phần ngầm công trình xây dựng, ảnh hưởng đến công trình khác trong phạm vi, gây nhiều thiệt hại và lo lắng cho cộng đồng. Nhằm tăng cường việc đảm bảo an toàn trong thi công phầm ngầm công trình, Sở Xây dựng TPHCM đã soạn thảo dự thảo Chỉ thị về đảm bảo an toàn khi thi công.
Nhà thầu thi công công trình ngầm phải lập thiết kế thi công an toàn cho công trình và các công trình lân cận. (Trong ảnh: Công trình có tầng hầm đang thi công tại quận 4. Ảnh: Huy Anh)
Phương án thi công sơ sài
Đại diện Ban soạn thảo dự thảo thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc đảm bảo an toàn khi thi công phần ngầm công trình xây dựng hiện được quy định tại Luật Xây dựng 2014 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Sở dĩ có dự thảo trên bởi nội dung các quy định trên chưa đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với việc thi công phần ngầm các công trình, nhất là việc phòng ngừa ảnh hưởng, đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, an toàn cho cộng đồng. Các quy định về kiểm tra phương án thi công tầng hầm chỉ áp dụng cho công trình xây dựng nhà cao tầng, trong khi thực tế có nhiều dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cả nhà ở riêng lẻ cũng có thi công phần ngầm. Chính vì thế, công tác quản lý đối với việc đảm bảo an toàn trong thi công phần ngầm công trình còn lỏng lẻo, chỉ được thực hiện thông qua biện pháp kiểm tra của Sở Xây dựng về phương án thi công tầng hầm công trình cao tầng. Trên thực tế, nhiều công trình không trình Sở Xây dựng xem xét phương án thi công tầng hầm nên khi thi công đã làm hư hại công trình lân cận như công trình 19 Cao Thắng (quận 3) làm hư hại nhà lân cận, công trình Khu căn hộ cao tầng (City Gate Towers quận 8) gây hư hỏng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trên đường Võ Văn Kiệt…
Bên cạnh đó, các công trình có trình phương án thi công tầng hầm, qua công tác kiểm tra, sở nhận thấy phương án thi công của các nhà thầu lập thường sơ sài, kết quả thẩm tra của tư vấn thì hình thức, không đánh giá đầy đủ về sự phù hợp của phương án thi công với điều kiện thực tế, về khả năng đảm bảo an toàn công trình lân cận. “Nguyên nhân phần lớn là do chưa có quy định về các yêu cầu cụ thể đối với việc phòng ngừa ảnh hưởng, đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, an toàn cho cộng đồng của phương án” - đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho hay.
Đối với các công trình giao thông, hạ tầng có thi công phần ngầm, do không có quy định phải trình Sở Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra phương án thi công, phương án do các đơn vị tham gia xây dựng tự lập và triển khai thi công nên thực tế nhiều công trình khi thi công công trình ngầm của các dự án đã gây ra hư hỏng nhà dân. Cụ thể như thi công đường dẫn hầm Thủ Thiêm gây hư hỏng tầng hầm trụ sở NHNN TPHCM, thi công dự án Vệ sinh môi trường TP làm hư hỏng hàng loạt nhà dân ở đường Phùng Hưng, quận 5…
Phải lập thiết kế biện pháp thi công an toàn
Xuất phát từ thực tế trên, Chỉ thị về đảm bảo an toàn khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM được soạn thảo nhằm quy định cụ thể về đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường khi thi công phần ngầm công trình, phân công nhiệm vụ kiểm tra phương án thi công để tăng cường độ an toàn, hạn chế xảy ra sự cố.
Cụ thể, dự thảo quy định các chủ đầu tư xây dựng công trình, phải thuê tư vấn có năng lực phù hợp và thực hiện thẩm tra thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình do nhà thầu lập. Nội dung thẩm tra bao gồm: sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng; đánh giá về sự phù hợp, đầy đủ của bản vẽ thiết kế biện pháp thi công; đánh giá về tính toán khả năng chịu lực của các kết cấu phục vụ thi công; đánh giá về phạm vi, mức độ ảnh hưởng công trình lân cận của biện pháp thi công; đánh giá về mức độ đảm bảo an toàn công trình và công trình lân cận của thiết kế biện pháp thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư phải kiểm tra thiết kế biện pháp thi công do nhà thầu lập trước khi phê duyệt.
Nhà thầu tham gia xây dựng công trình phải tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực công trường trước khi lập thiết kế biện pháp thi công. Hồ sơ khảo sát hiện trạng bao gồm: bản vẽ hiện trạng khu vực công trường; đánh giá độ ổn định của các công trình hiện hữu lân cận có khả năng bị ảnh hưởng khi thi công; xác định các giá trị chuyển vị, biến dạng tối đa; tốc độ chuyển vị, biến dạng báo động của các công trình lân cận có khả năng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhà thầu cũng phải lập thiết kế biện pháp thi công đảm bảo an toàn khi thực hiện, trong đó phải có các nội dung như: biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho cộng đồng; tính toán phạm vi ảnh hưởng do biện pháp thi công phầm ngầm gây ra ứng với các giai đoạn thi công; phải có kết quả khảo sát hiện trạng chất lượng các công trình liền kề và các công trình khác trong phạm vi ảnh hưởng; đồng thời phải có hệ thống quan trắc biến dạng công trình và công trình lân cận thuộc phạm vi ảnh hưởng để thực hiện quan trắc trong suốt quá trình thi công. Ngoài ra, trước khi thi công công trình phải có văn bản nghiệm thu các điều kiện đảm bảo an toàn giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Khi thực hiện đào đất trong khu vực có các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng, phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý các tuyến đó và phải có sơ đồ chỉ dẫn vị trí, độ sâu của công trình và được giám sát trong suốt quá trình đào.
Ngoài đảm bảo các phương án thi công an toàn, dự thảo cũng quy định việc kiểm tra và giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Cụ thể, Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra đối với thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình theo các quy định hiện hành. Các sở chuyên môn khác sẽ kiểm tra thiết kế biện pháp thi công phần ngầm các công trình được phân cấp quản lý. UBND các quận, huyện kiểm tra thiết kế biện pháp thi công phần ngầm nhà ở riêng lẻ nếu có công trình hiện hữu liền kề, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu trong việc khảo sát hiện trạng chất lượng công trình lân cận công trường thi công.
MINH HUY