Đảm bảo an toàn thông tin trong kỷ nguyên số

Ngày 21- 9, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) và Công ty An ninh mạng Viettel, Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức hội nghị bàn tròn cấp cao lãnh đạo CNTT & ANTT 2022 với Chủ đề Tối ưu nguồn lực – Tăng cường hiệu quả đầu tư cho an toàn thông tin trong kỷ nguyên số.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BÙI TUẤN
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BÙI TUẤN

Diễn đàn nhằm trao đổi và chia sẻ về các xu hướng và chiến lược về an ninh mạng, cung cấp các giải pháp tối ưu về đầu tư an toàn an ninh mạng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông), trong nửa đầu năm 2022, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 44,7 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin (tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021). Các doanh nghiệp Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng và những khó khăn trong việc thích nghi với bối cảnh chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện chiến lược Thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết, xu hướng chuyển dữ liệu và ứng dụng sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây đang tạo ra các mối đe dọa mới về an toàn, an ninh mạng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy gần 80% công ty tham gia khảo sát đã gặp vấn đề rò rỉ dữ liệu tấn công mạng trên điện toán đám mây. Trong số đó, 43% doanh nghiệp có trên 10 lần dữ liệu bị xâm phạm. Dự đoán số vụ tấn công DDoS sẽ tăng gấp đôi, từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 tới hơn 15 triệu vụ vào năm 2023. Nguy cơ mất an toàn thông tin rất hiện hữu, nhưng phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp chưa có phương án bảo đảm an toàn thông tin để giảm thiểu rủi ro.

Đảm bảo an toàn thông tin trong kỷ nguyên số ảnh 1 Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi và chia sẻ về các xu hướng và chiến lược về an ninh mạng. Ảnh: BÙI TUẤN

Còn theo ông Robert Trọng Trần, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn, mảng rủi ro Công nghệ và an ninh mạng E&Y Việt Nam thì đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp phải bỏ qua các quy trình an toàn bảo mật cần thiết, trong khi các cuộc tấn công mạng đang diễn ra ngày càng nhiều hơn. Do đó, an ninh mạng phải luôn song hành cùng chuyển đổi số, có chiến lược rõ ràng trong một môi trường đầy nguy cơ và thách thức như hiện nay.

Đại diện Viettel Cyber Security cho biết, luôn xác định và ưu tiên đưa nguồn lực ATTT vào lực lượng chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái SPDV theo định hướng tích hợp đồng bộ trên 1 nền tảng quản trị duy nhất; đồng bộ mô hình đầu tư các dự án chuyển đổi số với các dự án bảo đảm ATTT và tăng cường năng lực phòng thủ bằng công nghệ. Bên cạnh đó, đại diện VCS cũng đưa ra khuyến nghị về việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cân bằng, vững chắc và an toàn giữa 3 bên: Chủ đầu tư - Đối tác chuyển đổi số - Đối tác ATTT.

Đảm bảo an toàn thông tin trong kỷ nguyên số ảnh 2 Ra mắt nền tảng giám sát và điều hành ATTT thế hệ mới - SOC Platform. Ảnh: BÙI TUẤN

Dịp này, nền tảng giám sát và điều hành ATTT thế hệ mới - SOC Platform của Công ty An ninh mạng Viettel - Viettel Cyber Security (VCS) chính thức ra mắt. Nền tảng hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp giải quyết triệt để những khó khăn trong công tác vận hành, đảm bảo an toàn cho hệ thống công nghệ thông tin.

Tin cùng chuyên mục