Cứ mỗi lần ĐBSCL vào vụ thu hoạch lúa, câu chuyện về giá thành, tiêu thụ, lợi nhuận… của nông dân lại nóng lên. Vụ đông xuân năm nay, để đảm bảo cho người trồng lúa có lời 30% (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ấn định giá sàn mua lúa không thấp hơn mức 4.000 đồng/kg.
Theo VFA, mức giá sàn mà họ đưa ra là dựa trên cơ sở giá thành sản xuất lúa năm nay (ước tính) khoảng 2.200 đồng/kg. Trong khi đó, hầu hết nông dân ĐBSCL đều cho rằng giá thành sản xuất năm nay khá cao, trên 3.000 đồng/kg. Nếu tính luôn công sức lẫn các giá trị khác, coi như huề vốn.
Điều đáng nói là hiện nay chưa cơ quan nào công bố mức giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2009-2010. Do vậy, giá thành mà VFA đưa ra chưa thuyết phục được nông dân. Ngay cách tính, cũng chưa đồng thuận giữa các bên. Trong 16 tiêu chí tính giá thành, đất đai và công lao động bị bỏ quên. Hiện nay, đất đai đã trở thành hàng hóa, nhưng khi tính giá thành sản xuất lúa, chi phí đất đai đã không được đưa vào.
Công lao động gia đình, các chi phí khác như vốn, phương tiện sản xuất cũng không được tính đến. Trong khi, cũng mảnh đất ấy, nếu sử dụng vào mục đích khác như công nghiệp, dịch vụ thì tất cả những thứ không được tính đến này lại được hạch toán đầy đủ và chi tiết. Như vậy, làm sao có thể khẳng định giá sàn thu mua lúa hiện nay là đảm bảo cho nông dân có lời 30%?
Một vấn đề khác, đã được dư luận đề cập lâu nay đó là chuỗi giá trị lúa gạo. Theo phân tích của tác giả Nguyễn Ngọc Châu (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL), thu nhập bình quân mỗi hộ nông dân ở ĐBSCL với 0,5ha và 4 nhân khẩu, một năm làm cả 3 vụ lúa, lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí được 14.130.000 đồng. Nếu cộng thêm những khoản thu nhập khác khoảng 3,6 triệu đồng/năm, tổng thu cả năm được 17.730.000 đồng. Trong khi các khoản chi tối thiểu của một nông hộ (tính sát sườn) gồm thực phẩm, ăn uống, điện, nước, tiền học cho con, thuốc chữa bệnh, quần áo 2 bộ/năm, sửa sang nhà cửa… đã lên tới mức 17 triệu đồng. Như vậy, tích lũy hàng năm của mỗi nông hộ là không đáng kể. Thêm vào đó, hạt lúa trải qua nhiều tầng nấc trung gian.
Lâu nay, “quy trình” này vẫn vận hành như sau: Nông dân sản xuất, thu mua chế biến là của thương lái, tồn trữ, xuất khẩu là do doanh nghiệp. Ngay ở khâu đầu tiên, nông dân chưa bao giờ là người quyết định giá bán sản phẩm của mình. Chính vì thế, lợi nhuận thu lại từ việc bán lúa khá thấp.
Trong bối cảnh lúa đông xuân ở ĐBSCL bắt đầu xuống giá và ứ đọng, việc VFA triển khai chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở ĐBSCL bằng biện pháp phối hợp với thương lái là tín hiệu vui cho nông dân. Vấn đề đặt ra là làm sao tính toán giá thành hợp lý, sắp xếp kênh tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho hạt lúa ngay từ đầu vụ để nông dân bớt lo lắng? Rõ ràng đây không phải là nhiệm vụ quá khó đối với ngành nông nghiệp và công thương để đảm bảo lợi ích căn cơ cho người trồng lúa.
MINH TRƯỜNG