Đảm bảo nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán

Theo Bộ NN-PTNT, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài và dự báo dịp Tết Nguyên đán 2022 có thể thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm. 
Thực phẩm bán tại các kênh siêu thị
Thực phẩm bán tại các kênh siêu thị

Do đó, bộ này đã đề nghị các tỉnh ưu tiên chính sách cả về tài chính, lưu thông hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) giúp sớm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người dân.

Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, hiện nay cơ bản ngành chăn nuôi vẫn cung ứng đủ nhu cầu trong nước nhưng nếu dịch bệnh kéo dài và thời gian giãn cách còn tiếp tục ở các địa phương thì nguồn cung sẽ giảm khoảng 20% đến Tết Nguyên đán. Đơn cử tại Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của khu vực Đông Nam bộ hiện phát triển ổn định với 2,4 triệu con heo; 2,3 triệu con gà; 7,1 triệu con chim cút; mỗi tháng cung cấp cho thị trường 30.000 tấn thịt lợn, 20.000 tấn thịt gia cầm... Trên địa bàn Đồng Nai còn 9/62 cơ sở giết mổ đang hoạt động, chuỗi giết mổ, cung ứng thực phẩm của các DN cơ bản duy trì ổn định nhờ 70% nhân lực đã được tiêm vaccine Covid-19. Tuy vậy, khi dự báo về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường các tháng cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở NN-PTNT Đồng Nai ước tính tổng đàn lợn sẽ chỉ duy trì được 80%, nguồn cung thịt gà có thể sẽ thiếu, nhất là gà ta vì hiện tại nhiều công ty đang bán trứng giống thành trứng thương phẩm.

Việc nguồn cung chăn nuôi dự báo có thể thiếu hụt được Bộ NN-PTNT chỉ ra là do hiện các địa phương thực hiện giãn cách, buộc DN phải dừng sản xuất hoặc giảm công suất sản xuất do thiếu lao động, thiếu vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp... Chẳng hạn với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, hầu hết công nhân của công ty hiện mới chỉ tiêm vaccine mũi 1 nên chưa thể huy động sản xuất hết công suất. Không chỉ vậy, DN này cũng đối mặt với tình trạng tiêu thụ sản phẩm bị sụt giảm vì sức cầu chưa cao. 

Để hỗ trợ DN, Bộ NN-PTNT đã đề xuất hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, chế biến như: giảm thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng… cho DN. Đặc biệt, bộ này cũng đề nghị các tỉnh hết sức quan tâm và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Bởi lẽ đứng sau hàng chục ngàn người lao động là hàng chục triệu hộ nông dân, là chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm không thể bị đứt gãy, bởi sẽ ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, theo Bộ NN-PTNT, hiện hầu hết DN sản xuất, chế biến đều gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì sản xuất do chi phí sản xuất phát sinh quá lớn. Do vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách tài chính, lưu thông hỗ trợ DN, giúp sớm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người dân.

Tin cùng chuyên mục