Năm 2011 vẫn là năm khó khăn về vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Để đạt chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua và Chính phủ giao cho ngành công thương về xuất nhập khẩu năm 2011, Bộ Công thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp đồng bộ về tài chính - tiền tệ để giảm lãi suất cho các DN có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Phần lớn bức xúc của các DN hiện nay đều liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Không ít DN cho rằng, lãi suất cho vay cao dẫn đến khó cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Đại diện một DN vừa sản xuất, vừa cung cấp dịch vụ cho biết, khoảng 70% - 90% doanh thu của đơn vị là từ lĩnh vực sản xuất nhưng hiện nay đơn vị phải dựa vào lợi nhuận ở phần doanh thu từ dịch vụ để lo chi phí hoạt động cũng như tiền lương cho người lao động.
Không dám vay vốn do lãi suất quá cao, DN sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Có 42% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay của mình là ổn định, 40% DN cho biết tình hình đã tốt hơn quý trước và 18% DN cho biết họ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào đang tăng lên, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn nên 43% doanh nghiệp không thể tăng giá bán, thậm chí 14% DN phải giảm giá mới có thể bán được sản phẩm.
Trước thực tế đó, để giải quyết nhu cầu vay vốn của DN, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi cho những đối tượng khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề nhằm hỗ trợ tối đa nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều khoản tín dụng có giá vốn rẻ cũng được các ngân hàng tiếp cận để đảm bảo vốn phục vụ DN.
Tùy từng đối tượng khách hàng cụ thể mà các ngân hàng đã đưa ra gói sản phẩm với hạn mức tín dụng, lãi suất, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn… khác nhau. Đơn cử như VIB dành 2.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho các DN gạo và thủy sản. Tại Techcombank, ngân hàng này đã liên tục đưa ra các giải pháp tài chính chuyên biệt cho từng ngành nghề kinh doanh. Nằm trong số những sản phẩm chiến lược đó, sản phẩm cấp tín dụng cho các DN sản xuất kinh doanh gạo, điều, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Theo lãnh đạo Techcombank, đây là gói sản phẩm toàn diện hỗ trợ DN từ quá trình thu mua, dự trữ, sản xuất đến phân phối cũng như hoạt động xuất nhập khẩu với rất nhiều ưu đãi đặc biệt như: không giới hạn thời gian giải ngân, tỷ lệ cho vay, tỷ lệ chiết khấu cao, tài sản đảm bảo linh hoạt…
Từ tháng 3 trở đi là mùa thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như lúa, cà phê, tiêu, hạt điều và cũng là mùa ký hợp đồng xuất khẩu rầm rộ và đây cũng là thời gian mà DN có nhu cầu vốn bức bách nhất trong năm. Các DN được giao nhiệm vụ tạm trữ cà phê niên vụ này được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng ở mức 6%/năm. Hy vọng những tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN được các bên – ngân hàng, DN tìm được tiếng nói chung để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2011.
Thăng Long