Đảm bảo nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị. Hơn 10 TCTD đã được cấp room tín dụng thêm khoảng 1%-4%. Đây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất lúc này.

Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%) và khi đó, nhiều TCTD đã dùng hết hạn mức được giao từ đầu năm.

Trước tình trạng cạn room tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đề nghị NHNN nới room để có thêm dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm. Đến ngày 7-9, NHNN mới đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho các TCTD. Sự thận trọng trong điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được đặt trong bối cảnh NHNN phải tham gia thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6%-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4%; định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 14%.

Từ đầu năm 2022 đến 26-8-2022, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021 (tương đương mức tăng 16% so với cùng kỳ). Như vậy, tăng trưởng tín dụng có xu hướng hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 5 (tăng gần 17% so cùng kỳ).

Việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các NHTM dựa trên 3 cơ sở: hạn chế tình trạng tăng trưởng tín dụng quá cao, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; phân biệt các NHTM hoạt động kinh doanh an toàn và NHTM có mức độ rủi ro cao hơn; kiểm soát cơ cấu đầu tư vốn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo GS-TS Đặng Ngọc Đức, nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), ở các nước phát triển, hạn mức tín dụng được áp dụng thông qua các hình thức mang tính kinh tế và mềm dẻo hơn như “cửa sổ chiết khấu” hay công cụ tái chiết khấu. Khi muốn hạn chế tăng trưởng tín dụng, ngân hàng trung ương sẽ thu hẹp “cửa sổ chiết khấu”.

Nếu muốn điều tiết cơ cấu luồng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán thì công cụ lãi suất và các chính sách tác động đến thu nhập sẽ được sử dụng. Nghĩa là, ưu tiên công cụ gián tiếp hơn là sử dụng hạn mức tín dụng - vốn là một công cụ hành chính và trực tiếp.

Việc phân bổ hạn mức tín dụng hàng năm chủ yếu dựa vào xếp hạng NHTM là chưa thực sự khách quan, khoa học, toàn diện do chưa có hệ thống chỉ tiêu đánh giá rõ ràng, khoa học để phân bổ hạn mức. Do vậy, room tín dụng dễ trở thành một hình thức như “giấy phép con”. “Trong tương lai, công cụ này cần được thay thế bởi các công cụ gián tiếp”, ông Đặng Ngọc Đức lưu ý.

Trở lại việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 của NHNN, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để vốn tín dụng đến được nơi cần, đặc biệt là gói hỗ trợ 2% lãi suất. Bởi lẽ, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi 2% khá khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế gần như không tiếp cận được. Trong khi đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch và doanh nghiệp rất mong chờ, kỳ vọng có thể tiếp cận được vốn tín dụng. Do đó, NHNN có thể nghiên cứu, sửa đổi quy định về điều kiện tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi 2% để chính sách thực sự đến được với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% sẽ giúp các TCTD đáp ứng nhu cầu vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống còn lại hơn 4% từ nay đến cuối năm, các TCTD khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vốn vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Do đó, việc nguồn vốn tín dụng đến đúng, trúng đối tượng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn cần NHNN tiếp tục sát sao hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục