Đàm phán Brexit gặp trục trặc mới

 Ngày 17-12, Chủ tịch đảng Tự do (FPO) của Áo Heinz Christian Strache cho biết, chính phủ liên minh mới ở nước này sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cùng lúc, một cuộc thăm dò dư luận ở Anh cũng cho thấy đa số người Anh không muốn rời EU.

 

Người dân London tuần hành ủng hộ Anh ở lại EU
Người dân London tuần hành ủng hộ Anh ở lại EU
Gió đảo chiều?

Phát biểu với báo giới, ông Strache nói rằng chính phủ mới muốn có thêm dân chủ trực tiếp theo kiểu Thụy Sĩ để có thể dễ dàng tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng sẽ không đề cập đến tư cách thành viên của Áo trong EU. Ông khẳng định, Áo sẽ đứng bên EU, đứng bên cạnh dự án hòa bình của châu Âu. Điều đáng chú ý là chính ông Strache trước đó từng chê EU “quan liêu” và cho rằng Anh “có lẽ sẽ tốt hơn” sau khi rời khỏi khối này. 

Đảng FPO, vốn theo đường lối chống người nhập cư, vừa đạt được thỏa thuận với đảng Nhân dân (OVP) thành lập chính phủ liên minh mới ở Áo. Theo thỏa thuận, ông Strache sẽ trở thành Phó Thủ tướng Áo, còn thủ lĩnh OVP Sebastian Kurz sẽ giữ chức Thủ tướng Áo. Dù EU trước đó từng bày tỏ quan ngại về việc FPO tham gia liên minh cầm quyền tại Áo, song tân Thủ tướng S.Kurz khẳng định quan điểm ủng hộ châu Âu của Chính phủ Áo sẽ được đảm bảo.

Cùng lúc này, trang thông tin điện tử của báo The Independent đăng tải kết quả thăm dò do BMG thực hiện từ ngày 5 đến 8-12, cho biết số người dân Anh muốn nước này ở lại EU chiếm tới 51%. Theo The Independent, kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân vào giữa năm 2016 đến nay, việc Anh ở lại hay rời khỏi EU là chủ đề thăm dò được tập trung khai thác tối đa. Đánh giá của nhà phân tích bầu cử Mike Smithson, cựu chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Tự do, đây là cuộc thăm dò cho kết quả “ở lại” nhiều nhất kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân. 

Nhiều thách thức  phía trước


Liên quan đến tiến trình Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với thách thức, đó là sự chia rẽ trong chính nội bộ Chính phủ Anh và về những điều khoản cụ thể trong thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU. Theo thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, London nhất trí một số điều khoản trong thỏa thuận, bao gồm duy trì mở cửa biên giới với Ireland, trả 40 - 45 tỷ EUR cho các nghĩa vụ tài chính và bảo đảm quyền lợi của khoảng 3 triệu người châu Âu sống tại Anh. Thủ tướng Anh cho biết, phần quan trọng của thỏa thuận này là bảo đảm việc sẽ không có những chốt biên phòng được dựng lên ở biên giới giữa lãnh thổ Bắc Ireland và lãnh thổ của Cộng hòa Ireland, nước thành viên EU sau ngày 29-3-2019, thời hạn Anh ra khỏi EU. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại lưu ý, dù đã đạt được một số thỏa thuận song thách thức gian nan nhất vẫn đang đợi các bên ở phía trước, vì Pháp và Đức không muốn nhượng bộ Anh “quá nhiều và quá sớm”. Theo đó, giai đoạn 2 về đàm phán Brexit sẽ chú trọng các vấn đề thương mại và quá trình chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, ngay trước thềm cuộc đàm phán giai đoạn 2, Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis cho biết, London sẽ không thực hiện các cam kết tài chính đã thỏa thuận cuối tuần qua với EU nếu khối này không đảm bảo một thỏa thuận thương mại. Tuyên bố của ông Davis đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ireland. Ngoài ra, tuyên bố này có khả năng sẽ khiến nước Anh rơi vào tình thế khó khăn trong giai đoạn 2 cuộc đàm phán với EU.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Anh và EU đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán ở giai đoạn 2, nhiều doanh nghiệp lớn của Anh lại đưa ra cảnh báo rằng, nền kinh tế nước này vẫn sẽ tiếp tục có những bước tiến chậm. Bởi, dù có đạt được một số thỏa thuận nhưng sự không chắc chắn trong vấn đề thương mại của Brexit chỉ khiến những kế hoạch đầu tư của nước này tiếp tục rơi vào tình trạng ngưng trệ.

Tin cùng chuyên mục