Đấm rồi đấu trí

Đấm rồi đấu trí

Tại SEA Games 23 – 2005 đã thấy có nhiều môn thể thao “lạ” nhưng môn thể thao sau còn lạ hơn và thu hút nhiều khán giả hâm mộ: Cờ vua - quyền Anh (Chessboxing).

  • Một thử thách độc đáo
Đấm rồi đấu trí ảnh 1

Đấm xong lại đấu trí

VĐV cờ vua, thường là những cô, cậu bé cận thị - như các đại kiện tướng Hoàng Thanh Trang, Trường Sơn của ta - quên cả ăn để đánh vật với quân cờ trong lúc chúng bạn cùng lớp đùa giỡn ngoài sân trường. Còn Chessboxing đem lại sự hào hứng đáng kể bởi luật thi đấu đặc biệt: các võ sĩ đem bàn cờ vua lên võ đài để vừa so găng vừa so trí não trong 11 hiệp.
Mỗi hiệp gồm 4 phút đấu cờ và 2 phút đấm bốc. Chỉ có 1 phút nghỉ để võ sĩ tháo găng trị vết thương. Cách đấu cờ này theo thể thức đấu cờ nhanh.

Cách phân định người thắng kẻ thua vẫn áp dụng theo luật của hai môn: bị chiếu tướng, bị nốc-ao đều phải bỏ cuộc, hoặc do trọng tài quyết định. Khi trận cờ bất phân thắng bại thì người cao điểm hơn trong các ván đấm quyền Anh sẽ là người chiến thắng; hay người cầm quân đen nếu đạt kết quả hòa sẽ được coi là người thắng cuộc.

Thoạt nhìn thì không thể có hai môn thể thao tương hợp một cách “quái chiêu” như thế được: ai đời vừa bị “bụp” lại phải ngồi xuống điều khiển nước đi của một trong 48 quân cờ nhưng thật ra trò thể thao kết hợp sức mạnh thể chất và lý trí này lại thú vị. Võ sĩ Đức Andreas Dilschneider nói: “Cả hai môn đều buộc người chơi phải phản ứng trước mỗi động thái của đối thủ và luôn suy nghĩ phải làm gì để đạt đến mục tiêu”.

Càng thú vị hơn khi môn thể thao “song hành” này lại do một nghệ sĩ Hà Lan nghĩ ra: đó là Iepe Rubingh, 31 tuổi, sống tại Berlin (Đức). Anh lấy ý tưởng từ bộ truyện tranh hài có tên “Nhiệt đới lạnh” của Enki Bilal. Ý tưởng về Chessboxing cũng có thể dựa theo một chuyện tiếu lâm phổ biến ở phương Tây có thông điệp: Nếu muốn cùng lúc thắng một võ sĩ quyền Anh và một kiện tướng cờ vua, bạn chỉ việc đấu cờ với võ sĩ và so găng với kiện tướng!

Võ sĩ Đức Dilschneider (được đồng môn gọi là “D” hoặc “Doomsday”, tức “Ngày tận thế”) giúp Rubingh phát triển ý tưởng khi hai người gặp nhau cách đây ba năm. Sau thời gian cổ động môn thể thao mới, D trở thành võ sĩ hồi giữa năm 2005. Anh cũng là người tổ chức giải vô địch châu Âu WCBO đầu tiên tại Berlin và thua đối thủ Tihomir Titschko “Cọp nhí” ở hiệp 7.
 
D kể: “Đó là một thách thức lớn, thú vị “Cọp nhí” rất “gấu” và là một trong những tay chơi cờ vua hay nhất thế giới. Tôi biết cơ hội tốt nhất của tôi là trong quyền Anh nên chẳng buồn”. Một cuộc đấu thú vị với 600 khán giả hò reo liên tục khi trận đấu diễn ra trong CLB Chessboxing. Gọi là CLB cho sang chứ đấy chỉ là một nhà kho cũ ở phía Đông Berlin. Tại CLB, mỗi tuần đều có hai buổi tập cho hàng chục võ sĩ. Trong CLB có treo khẩu hiệu: “Môn thể thao trí tuệ số 1 và môn thể thao đối kháng số 1 tạo nên một thử thách độc đáo”.

  • “Cách mạng Chessboxing” toàn thế giới

Tuy mới chào đời nhưng sức hút của Chessboxing đang tăng đáng kể. Trong tháng 2-2006 sẽ còn một cuộc đấu trí - cơ bắp nữa tại Cologne (Đức). Rubingh khoe anh từng tổ chức giải vô địch thế giới Chessboxing đầu tiên tại Amsterdam (Hà Lan) năm 2003 và một trận biểu diễn tại Tokyo (Nhật) năm 2004. Ở địa chỉ www.wcbo.org, D cho biết sau giải vô địch châu Âu, số người truy cập vào địa chỉ này tăng từ 200 lượt/ngày lên 2.000 lượt/ngày.
 
D hy vọng khi nào phát triển Chessboxing mạnh hơn sẽ đề nghị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) bỏ phiếu đưa môn này vào chương trình Olympic từ năm 2016. “Môn nào cũng có tham vọng Olympic, chúng tôi không ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mới bắt đầu, chúng tôi cần bảo đảm tổ chức mỗi năm khoảng 5 giải để xác lập Chessboxing không phải là một loại hình nghệ thuật, một khái niệm mà thật sự là một môn thể thao”, D nói. D nhắc, vào những năm 1970, khi xuất hiện môn triathlon (chạy bộ 10 km, bơi vượt sông và đạp xe đạp thêm hàng chục km nữa) người ta bảo “chỉ có khùng” mới chơi nhưng nay triathlon đã là môn thể thao phổ cập toàn thế giới.

Chessboxing cũng khá triển vọng, khi có tin đồn các cựu vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới như Vitali Klitschko (Ukraine) và Lennox Lewis (Anh) đang dự tính chơi môn này. D đánh giá cao anh em võ sĩ Klitschko vì họ cũng chơi cờ vua giỏi. D đang phấn đấu thực hiện một cuộc “cách mạng Chessboxing” toàn thế giới.

ANH THAO

Tin cùng chuyên mục