Tình trạng chuyển đổi công năng nhà ở sang các dạng sử dụng khác như làm trường học, nhà hàng, trụ sở văn phòng doanh nghiệp… là một thực tế đã tồn tại từ lâu ở TPHCM.
- Trường học, trụ sở văn phòng vào hẻm
TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đang có ý định viết thư gửi lãnh đạo các sở ngành liên quan ở TPHCM phản ánh tình trạng… ùn tắc giao thông trong hẻm, nơi ông cư ngụ.
Giao thông ở đây bức bối đến mức nào mà TS Nguyễn Trọng Hòa phải bức xúc? Khoảng 15 giờ 30 trong 3 ngày 14, 15 và 17-5-2012 chúng tôi đã đến hẻm 115 đường Trần Quốc Thảo quận 3 - hẻm mà TS Nguyễn Trọng Hòa nói. Đập ngay vào mắt chúng tôi là hàng chục chiếc xe hơi đậu trong hẻm. Hẻm dài khoảng 500 - 600m nhưng chiều rộng chỉ khoảng 4 - 5m và trong không gian chật hẹp ấy, chúng tôi thấy có đến 4 điểm trường học: Cơ sở giảng dạy chương trình kinh tế Fulbright của Trường Đại học Kinh tế, Trung tâm ngoại ngữ của Trường Đại học Quốc gia và 2 cơ sở của Trường Mầm non Ánh Dương cùng văn phòng Công ty Đan Lộc và Công ty Lan Vy. Khoảng từ 16 giờ đến 16 giờ 30 phút thì đúng như những gì TS Nguyễn Trọng Hòa phản ánh: Xe hơi, xe máy của các phụ huynh Trường Mầm non Ánh Dương ùn ùn vào hẻm đón con, xe hơi, xe máy của các nhân viên trong các công ty, trong 2 cơ sở giảng dạy của 2 trường đại học túa ra. Tất cả ken vào nhau, xe nhích từng bước một, các bác bảo vệ của Trường Mầm non Ánh Dương, rồi cả một số người dân trong hẻm phải chạy ra… điều tiết giao thông.
Thực ra, từ nhiều năm qua, người dân TPHCM đã bức xúc với tình trạng nhà ở chuyển đổi công năng sang mục đích sử dụng khác, kéo thêm người đến ở và làm việc, rồi gây ùn tắc giao thông. Ông Trịnh Chiến ngụ tại đường Phan Đăng Lưu quận Phú Nhuận đã từng gửi thư đến Báo SGGP phản ánh từ ngày Trường ngoại ngữ Dương Minh “mọc” lên ngay góc đường Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long, giao thông ở đây phức tạp hơn rất nhiều.
Vào giờ trường Dương Minh tan học thường xảy ra ùn ứ giao thông. Bà Dương Thị Cẩm Nhung ngụ tại đường Bà Huyện Thanh Quan gọi điện thoại đến Báo SGGP cho biết, sau khi một biệt thự trên đường Tú Xương quận 3 biến thành trường học quốc tế, giao thông ở đây vào giờ tan trường gần như lúc nào cũng tắc nghẽn. Giao thông trên đường Lê Quý Đôn gần đó cũng trở nên phức tạp khi có 2 trường quốc tế và vô số nhà hàng mọc lên. Đường Bùi Thị Xuân quận 1 rất hay xảy ra ùn tắc cục bộ do nhiều nhà ở tại đây đã biến thành khách sạn, ô tô ra vào đón khách chắn hết cả đường đi của mọi người.
Tuy nhiên, nếu như những năm trước đa phần chỉ có các nhà mặt tiền đường chuyển đổi công năng sử dụng thì nay cả nhà trong hẻm cũng làm như vậy. Việc xảy ra như trong hẻm 115 Trần Quốc Thảo quận 3 không phải là hiếm. Trong con hẻm dài chỉ khoảng 40m, rộng 4m ở phường 4 quận Phú Nhuận cách nay vài tháng vừa… mọc lên một trụ sở văn phòng tư vấn du học… Mặc dù đã dành cả phòng trước để giữ xe những nhiều lúc khách hàng đông, doanh nghiệp này vẫn phải đưa xe ra đậu dọc hẻm. Theo một chuyên gia về kinh tế, có lẽ do kinh tế khó khăn, chi phí thuê văn phòng ngoài mặt tiền đường cao nên các doanh nghiệp chuyển vào hoạt động trong hẻm?
- Ngành chức năng nói gì?
Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết, khoảng từ giữa năm ngoái đến nay Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM trước khi cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề đặc biệt, thu hút nhiều người đến làm việc, giao dịch thường tham khảo ý kiến về việc tổ chức giao thông tại khu vực đặt trụ sở văn phòng của các doanh nghiệp này. Sở Xây dựng thi thoảng tham khảo ý kiến Sở Giao thông Vận tải trước khi cấp phép xây dựng…
Trong các trường hợp như vậy, Sở Giao thông Vận tải sẽ xem xét phương án tổ chức giao thông của chính doanh nghiệp. Sở sẽ góp ý thêm cho phương án này của doanh nghiệp nếu như hoạt động của doanh nghiệp có thể sắp xếp để không ảnh hưởng quá nhiều đến giao thông. Trường hợp không tìm ra phương án khả thi, Sở Giao thông Vận tải sẽ trả lời không (tất nhiên về mặt giao thông). Đã có khá nhiều doanh nghiệp tự giác tuân theo các hướng dẫn về giao thông của Sở Giao thông Vận tải.
Trung tâm ngoại ngữ ILA nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 đã chủ động sắp xếp lệch giờ tan học của các lớp để tránh trường hợp học sinh ùa ra trường cùng một lúc. Nhiều trường ngoại ngữ đã tổ chức thêm lực lượng bảo vệ, hướng dẫn và giúp đỡ phụ huynh đón con ít gây ảnh hưởng đến giao thông nhất… Thậm chí có trường, trước khi mở thêm cơ sở mới đã chủ động đến gặp Sở Giao thông Vận tải để tham khảo về mặt tổ chức giao thông.
Thế nhưng, cũng phải nói rằng những thành tố tích cực như vậy không nhiều. Sở Giao thông Vận tải cho hay, số lượng doanh nghiệp có tham khảo ý kiến của sở về tổ chức giao thông so với số lượng doanh nghiệp không tham khảo ý kiến là rất nhỏ. Đa phần các nhà hàng tiệc cưới trên đường Hoàng Việt quận Tân Bình, đường Phan Văn Trị quận Gò Vấp… không hề lấy ý kiến của Sở Giao thông Vận tải về việc tổ chức giao thông. Không biết có phải vì như vậy mà vào mỗi dịp cuối tuần hay vào mùa cưới, người ra vào ăn tiệc tại các nhà hàng này đông đúc, lộn xộn luôn là đối tượng làm cho tình trạng quá tải về giao thông trong khu vực thêm trầm trọng. Với những doanh nghiệp như thế, hiện nay các sở ngành chức năng vẫn rất lúng túng, chưa biết xử lý ra sao.
Nguyễn Khoa
“Cần có lộ trình xử lý những bất cập hiện tại” Đó là ý kiến của ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, về việc xử lý những bất cập hiện tại trong việc chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở sang các mục đích sử dụng khác. Theo ông Trần Chí Dũng, hiện nay tình trạng nhà ở chuyển đổi công năng sử dụng sang làm nhà hàng, trường học, bệnh viện… khá nhiều, đặc biệt trong các khu dân cư cũ và đó là vấn đề của lịch sử. Bây giờ xử lý ngay, cấm ngay là không khả thi cho dù hiện tượng này đã và đang ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông, công tác bảo vệ môi trường… Cách tốt nhất là xử lý có lộ trình. Trước hết các quận, huyện cần phối hợp với các sở: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc tiến hành rà soát lại toàn bộ các công trình nhà ở đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang các công trình khác. Công trình nào mà việc chuyển đổi đã ảnh hưởng xấu đến giao thông và môi trường thì phải tìm hướng khắc phục ngay, ví dụ như tổ chức lại giao thông, bớt một phần diện tích kinh doanh cho việc đậu xe, làm cho lòng lề đường thông thoáng hơn… Trường hợp nào không chịu khắc phục thì phạt thật nghiêm khắc. Trường hợp không thể khắc phục có thể xem xét ngưng không cho hoạt động. AN NHIÊN “Không nên cho chuyển đổi công năng nhà ở tại các khu dân cư mới” Đó là ý kiến của ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM. Theo ông Quách Hồng Tuyến, các phân khu chức năng trong các khu dân cư mới đều khá rõ ràng và đầy đủ từ trường học, chợ, trung tâm thương mại đến bệnh viện do đó không có lý do gì cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang các mục đích sử dụng khác. Đó là chưa kể đến một thực tế: có một bộ phận không nhỏ người dân hoàn toàn không muốn sinh sống ở những khu vực buôn bán ầm ĩ. Họ đã chọn mua nhà tại các khu được quy hoạch là khu ở với mong muốn không phải sống chung với cảnh buôn bán. Nếu chỗ nào đảm bảo được điều kiện tốt về trật tự an toàn giao thông và môi trường cũng cho chuyển đổi công năng thì chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người muốn kinh doanh mà chưa đáp ứng được nhu cầu cần nhà ở và cần được ở nơi yên tĩnh để có thể nghỉ ngơi của một bộ phận không nhỏ người dân khác. Vì thế, ở các khu dân cư cũ, có thể chấp nhận hiện trạng và cố gắng điều chỉnh cho tốt còn ở khu dân cư mới nên cấm hẳn việc chuyển đổi công năng nhà ở sang các mục đích sử dụng khác. Đức Tâm Thay đổi công năng, bố trí lại không gian: Nhiều phiền toái Trong không ít trường hợp, việc chuyển đổi công năng sử dụng của nhà ở hay thậm chí chỉ là thay đổi không gian ở, sửa lại một số hạng mục trong nhà cũng gây phiền toái không ít cho chính đơn vị hay cá nhân thực hiện chuyển đổi ấy. Tất nhiên, không để thiết kế căn hộ theo kiểu nhà ở để bán cà phê, anh ta đã cho đập các bức tường ngăn giữa các phòng, đục thêm lỗ trên tường để treo tranh, treo thêm đèn… cho phù hợp với không gian buôn bán. Mặc dù đã xem thiết kế của căn hộ trước khi tiến hành cải tạo nhưng trong lúc khoan lỗ để đóng đinh, người thợ khoan quá đà mũi khoan đã chọc thủng một đường dây điện bên trong tường. Căn phòng lập tức tối om. Kết quả là doanh nghiệp này đã mất mấy ngày và gần 100 triệu đồng để khắc phục sự cố. Chuyện mà doanh nghiệp nêu trên gọi là “xui vô cùng” trong mắt các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng thực ra là chuyện hết sức bình thường trong ngành xây dựng. Hiện nay hầu hết các công trình xây dựng nhà ở, đặc biệt là các cao ốc đều “ngầm hóa” hệ thống điện, nước, điện thoại… Việc sửa chữa hay đơn giản chỉ là đóng đinh vào tường để treo đồ, nếu không khéo có thể gây sự cố nghiêm trọng. Một câu chuyện khác, xảy ra ở một trong những khu dân cư mới, đẹp nhất ở quận 7 TPHCM. Một người dân đã mua một căn hộ mới trong của khu đô thị này. Bữa nọ, người dân ấy thấy phòng ngủ của mình bị thấm nước bèn đi lên tầng trên để xem xét. Thật bất ngờ với người dân ấy khi thấy ngay trên phòng ngủ của mình là một nhà vệ sinh. Không hiểu người chủ của nhà vệ sinh đã thay đổi gì mà kết quả là nước thấm xuống tầng dưới, vào phòng ngủ của căn hộ phía dưới. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hình như đến thời điểm này mâu thuẫn trên vẫn chưa được giải quyết và các bên liên quan đã kéo nhau ra tòa. Và những câu chuyện tương tự như trên diễn ra khá phổ biến trong rất nhiều trường hợp chuyển đổi công năng hay thậm chí chỉ đơn giản là thay đổi không gian, sửa chữa các tòa nhà ở TPHCM. Phạm Kim Ngân
Mới tháng trước, một doanh nghiệp kinh doanh ngành ăn uống xin được giấu tên cho biết, đơn vị anh ta vừa tốn thêm gần 100 triệu đồng để khắc phục một sự cố mà anh ta cho là… “xui vô cùng”. Sự cố này bắt nguồn từ việc doanh nghiệp của anh thuê lại một căn hộ chung cư dưới tầng trệt một cao ốc để làm nơi bán cà phê cùng một số đồ uống khác.