Dân cần, không biết kêu ai

“Ầm, ầm ầm…”, tiếng búa đập, tiếng máy nổ xe xúc đất đá, tiếng gọi í ới của những người thợ vang lên trong đêm, phá tan không gian tĩnh lặng của một khu xóm nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM).

“Nhà cô cháu gái tôi mấy đêm nay phải về bên ngoại ngủ nhờ, vì nhà bên cạnh đập dỡ căn nhà gây tiếng ồn làm cả xóm mất ngủ”, anh K.V. kể lại câu chuyện được cho là thường ngày trong các khu dân cư vừa xảy ra.

Anh K.V. nói: “Cô cháu gọi điện lên UBND phường thì không ai trực nghe máy, gọi cho công an phường thì cán bộ trực ban nói không phải việc của công an phường. Giữa đêm, cả xóm nháo nhào lên chẳng biết kêu ai…”.

Rất nhiều câu chuyện tương tự xảy ra hàng ngày trong các khu dân cư mà người dân phản ánh đến chúng tôi thời gian qua. Nào chuyện hàng xóm lớn tiếng cãi vã, vợ chồng trẻ đánh chửi nhau, rồi xả rác, đổ nước thải, gia súc phóng uế ra đường…, người dân cũng không biết kêu ai. Có vụ việc cãi vã giữa hai người làm ầm cả xóm lên, nếu có người nhiệt tình đứng ra can ngăn thì yên, còn không để mặc họ, dẫn đến ẩu đả, đổ máu ra rồi công an mới đến xử lý.

Hay như câu chuyện những căn nhà xây dựng không phép sau một đêm “mọc” lên ở huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn mà báo chí thời gian qua phản ánh, người dân cũng không biết kêu đến ai. Những vụ việc này không phải không ai biết, mà chính quyền và người dân sống trong khu dân cư đều biết hết. Nhưng ai là người có trách nhiệm, UBND phường hay cơ quan chức năng của quận, huyện thì người dân lại không biết để đến khi có chuyện mà “kêu”. Việc chậm trễ ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ đầu đã dẫn đến hậu quả nặng nề về sau, bao nhiêu tiền của của người dân đổ vào căn nhà lại phải đập bỏ.

Từ những câu chuyện trên cho thấy, ở địa bàn dân cư nào cũng có đầy đủ các ban bệ, tổ chức này, tổ chức kia từ tổ dân phố, tổ nhân dân đến khu phố, ấp, xã phường nhưng không ai có trách nhiệm giải quyết từ những vụ việc tưởng chừng rất nhỏ ấy. Thực tế này đặt ra cho công tác sắp xếp lại tổ chức, nhân sự dưới xã, phường, thị trấn tới đây phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cơ quan, tổ chức, để khi cần, người dân biết chỗ mà “kêu”.

Ở từng địa bàn dân cư cần công khai địa chỉ, số điện thoại của người có trách nhiệm, trực sẵn sàng 24/24 giờ để giải quyết ngay khi xảy ra bất cứ vụ việc gì làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng và của công dân. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu những vụ việc có thể dẫn đến mất an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cá nhân và tổ chức được giao trọng trách ở khu dân cư, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.

Tin cùng chuyên mục