Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Một trong những “bí quyết” của ngành tư pháp thành phố chính là nâng cao chất lượng tố tụng tranh luận.
Trong tiến trình cải cách tư pháp, tòa án được xác định là khâu trung tâm bởi tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng, phán quyết của tòa thể hiện kết quả cuối cùng của quá trình tố tụng. Để nâng cao chất lượng xét xử, việc tranh tụng tại phiên tòa là điểm mấu chốt. Hội đồng xét xử chỉ hỏi những câu gợi mở để bị cáo trình bày, kiểm sát viên và luật sư mới là người xét hỏi chính và trình bày quan điểm.
Nhờ xem xét toàn diện chứng cứ và nghe cả hai bên, hội đồng xét xử có thể nhận định được sự thật khách quan của vụ án, từ đó tuyên những bản án thuyết phục, công minh. Sự dân chủ trong hoạt động tố tụng này là cái gốc xây dựng nền tư pháp thật sự vững mạnh. Tuy nhiên, muốn nâng chất hoạt động tranh tụng, cần thiết phải kết hợp nâng chất đồng bộ cả hội đồng xét xử, kiểm sát viên lẫn người bào chữa. Chỉ cần một thành phần kém hoặc thiếu ý thức, hoạt động tranh tụng sẽ không thành công. Đây là nỗi lo của ngành tư pháp vì thực tế hiện nay, trình độ, năng lực, tầm và tâm của đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, luật sư chưa thật sự đồng đều.
Rải rác vẫn còn tình trạng hội đồng xét xử chưa làm tròn vai trò “trọng tài”, thể hiện quan điểm buộc tội ngay từ giai đoạn thẩm vấn; kiểm sát viên đuối lý trước luật sư, không tranh luận lại những điểm luật sư đặt ra, chỉ nói chung chung là bảo lưu quan điểm luận tội; hoặc luật sư chỉ cãi lấy được cho thân chủ mà phát biểu không đúng bản chất vụ án... Những trường hợp này không nhiều và ngày càng giảm, nhưng nếu không được chấn chỉnh triệt để thì sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của tiến trình cải cách tư pháp.
Bên cạnh đó là nỗi lo về công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp. Có một thực tế là với mức lương quá thấp trong thời buổi giá cả sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với khối lượng, tính chất phức tạp của công việc nên rất khó để tuyển dụng biên chế và giữ chân cán bộ giỏi cho các cơ quan tư pháp. Thống kê cho thấy các ngành công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự đều thiếu nhân sự so với biên chế được giao.
Một khi làm việc trong tình trạng quá tải do việc nhiều - người ít, hoạt động của các cơ quan tư pháp khó đạt được hiệu quả và chất lượng cao nhất. Chưa kể, thu nhập thấp cộng với việc thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một số CB-CC tiêu cực, nhũng nhiễu, buộc người dân phải đưa tiền “bôi trơn”; gây bức xúc trong dư luận và tạo nên vết đen không đáng có trong tổng thể bức tranh hoạt động tích cực của ngành tư pháp.
Chính vì thế, giải bài toán xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức trong sạch, bản lĩnh vững vàng, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghiệp vụ giỏi cho ngành tư pháp cần được các cơ quan chức năng nỗ lực giải quyết.
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, việc thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN càng là yêu cầu cấp thiết. Bỏ qua khó khăn, vướng mắc thì bí quyết thành công trong việc nâng cao chất lượng tranh tụng, tạo nên cái gốc dân chủ cho nền tư pháp vững mạnh là điểm son của ngành tư pháp TPHCM.
ÁI CHÂN