Dân được mở rộng quyền giám sát môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra dự thảo về việc tăng cường biện pháp chế tài đối với hành vi nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, mỗi hành vi vi phạm, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt mức cao nhất lên đến 2 tỷ đồng.

Đến nay vẫn chưa có quy định chế tài đối với hành vi vi phạm trên. Do vậy, đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp cố tình nhập chất thải nguy hại từ nước ngoài. Đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì từ chối nhận hàng và tái xuất hàng trả lại nước đã xuất. Các phía cơ quan chức năng cũng khó xử lý do chưa có quy định mức xử phạt cụ thể. Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm trên cũng chưa rõ ràng. Không chỉ vậy, ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, trong năm 2015, Luật Bảo vệ môi trường có nhiều điểm mới được áp dụng. Cụ thể, đối với quy định bảo vệ môi trường nước sông, luật mới quy định các nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông. Chất lượng nước sông, trầm tích phải được theo dõi và đánh giá thường xuyên. Không chỉ vậy, bảo vệ môi trường nước sông phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông. Đặc biệt, thực hiện công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Mặt khác, xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông.

Về thẩm quyền cũng được xác định rõ là UBND tỉnh thành được quyết định bảo vệ môi trường sông khu vực nội tỉnh. Còn với những lưu vực sông liên tỉnh và xuyên biên giới thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điểm mới này của luật đã giúp xóa tình trạng chồng chéo trong công tác bảo vệ môi trường giữa các cơ quan chức năng. Quan trọng hơn, việc hợp nhất quản lý về một cơ quan chức năng đối với lưu vực sông liên tỉnh sẽ giải quyết mâu thuẫn giữa các tỉnh thành trong việc chọn phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường. Kết quả là tỉnh thành nào cũng ưu tiên phát triển kinh tế và các tỉnh hạ nguồn hứng chịu toàn bộ lượng thải ô nhiễm của khu vực thượng nguồn đổ về.

Điểm mới khác là quy định về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất. Theo đó, mọi hoạt động có sử dụng đất phải xem xét đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động phải có trách nhiệm kiểm soát môi trường đất tại cơ sở của mình. Trường hợp gây ô nhiễm môi trường đất phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi. Và lần đầu tiên ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ thuốc diệt cỏ được đưa vào quy định phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường như các chất độc hại khác. Không dừng lại đó, quyền hạn của người dân trong việc giám sát công tác bảo vệ môi trường được nới rộng hơn. Người dân có quyền giám sát và trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải tạo điều kiện để người dân được giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư trước khi được phê duyệt Đánh giá tác động môi trường phải thực hiện công khai lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường, thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm cá nhân, tổ chức bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác. Nghĩa là thời hiệu khởi kiện được mở rộng đến mức không giới hạn. Điều này rất có ý nghĩa với cộng đồng dân cư vì để chứng minh được chủ thể hành vi vi phạm môi trường gây tổn hại đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân cần có thời gian dài trong khi theo quy định cũ chỉ có 2 năm là không phù hợp.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục