Tới thời điểm này, ĐBSCL hầu như không có lũ khi vũng trũng đầu nguồn “không có nước”. Từ đó, nguồn lợi thủy sản hạn chế, hoạt động sản xuất của người dân trong mùa lũ bị đình trệ…
Nỗi buồn vắng lũ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến ngày 13-9, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 2,35m; tại Châu Đốc mới lên mức 2,05m; thấp hơn cùng kỳ nhiều năm từ 1,37 - 1,44m. Xuyên qua các vùng đầu nguồn ở An Giang, Đồng Tháp, ngay mùa lũ nhưng chưa thấy “hơi hám” gì của lũ. Nhiều cánh đồng được người dân ngưng sản xuất vụ 3 để chờ xả lũ nhưng không có nước.
Làng nghề lọp tép ở An Phú, An Giang sản xuất nhiều nhưng ế ẩm (Ảnh: HUY PHONG)
Ông Nguyễn Văn Buông, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Năm nay lũ yếu chưa từng có. Mực nước thấp hơn cùng kỳ nhiều năm cả mét. Người dân làm nghề đánh bắt tôm, cá, lươn, cua đồng hay khai thác rau mùa lũ thất thu”. Nông dân Trần Văn Năm, làm nghề đáy cá linh ở xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, than vãn: “Tới giờ này nhưng nước sông vẫn chưa đầy. Dân đáy cá mỗi ngày chỉ kiếm được 5-8kg, giảm 3-4 lần so với mấy năm trước. 6 công đất lúa 2 vụ của gia đình tôi định xả lũ để nuôi tôm càng xanh nhưng không có nước nên đành bỏ trống, cỏ cao ngập đầu”. Ông Lê Văn Lam, 65 tuổi, nông dân xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), nói buồn: Năm nay lũ thấp chưa từng có. Không có lũ thì vụ sau sẽ khó khăn, chi phí làm đất, bón phân tăng khoảng 30 lần vì đồng ruộng không được lũ dọn vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh, không có phù sa bồi đắp, đất bị bạc màu.
Ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), tình cảnh cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, cho biết: Tới thời điểm này, vùng trũng ở huyện đầu nguồn của chúng tôi nước lũ còn chưa tràn đồng, người dân đang mong ngóng. Vùng sản xuất lúa 2 vụ, chừa 1 vụ để khai thác mùa lũ, nhưng nay coi như không thu hoạch gì được từ lũ. Các năm trước, mỗi mùa lũ, người dân ở đây thu hơn 2.000 tấn cá, nhưng nay chưa có gì.
Lũ “xấu”, hoạt động của các làng nghề “ăn theo” mùa lũ cũng đìu hiu. Ông Nguyễn Thiện Bé, chủ tiệm lưới ở làng lưới Thơm Rơm, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, than vãn: “Năm nay lũ “bèo” quá, không có nước, cá tôm không về nên dân đánh bắt nghỉ gần hết. Nhu cầu mua lưới chỉ bằng 1/3 so với các năm có lũ “đẹp”. Hiện tôi chỉ còn lại hơn 10 nhân công làm việc chứ cao điểm các năm có lũ phải cần tới 40 - 50 người”. Đây là tình cảnh chung của cả làng lưới Thơm Rơm, nổi tiếng nhất ĐBSCL, từng giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động trong mỗi mùa lũ.
Lũ nhỏ nhưng lở lớn
Trong khi lũ yếu nhưng ở vùng đầu nguồn lại đang đối mặt với tình trạng sạt lở đất diễn ra thường xuyên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của các đập thủy điện, thủy lợi trên sông Mê Công ở phần thượng lưu.
Khu vực sạt lở nghiêm trọng ở cù lao Long Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp
Ông Đinh Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, nói: “Lo nhất hiện nay là tình trạng sạt lở rất phức tạp, diễn biến khó lường. Sạt lở đang diễn ra gần như khắp các địa phương trong tỉnh trên với 100 điểm sạt lở bờ sông tại 36 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố, có tổng chiều dài gần 60km. Nặng nhất ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngư, thị xã Hồng Ngự, TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh… Toàn tỉnh hiện có 6.400 hộ dân đang sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm cần sớm di dời nhưng địa phương không đủ kinh phí. Đa số hộ dân sống trong vùng bị sạt lở không còn đất sau nhiều lần dời nhà chạy lở, hoàn cảnh nghèo khó. UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ đồng để xây dựng thêm các khu dân cư mới để bố trí dân vùng sạt lở vào sinh sống an toàn”.
Trong khi đó tại An Giang, kết quả điều tra hiện trạng sạt lở mới nhất cho thấy có 48 đoạn sông được đưa vào danh mục cảnh báo với tổng chiều dài gần 160km. Trong đó, 10 đoạn được cảnh báo ở mức rất nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm. Hơn 2.000 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm cần sớm được di dời. Đáng lo ngại, tại hàng chục cụm tuyến dân cư vượt lũ của tỉnh này cũng đang bị sạt lở đe dọa nhưng địa phương không có kinh phí làm kè chống đỡ.
|
BÌNH ĐẠI