Dấn thân vì thể thao Việt

Việc đi hay ở của Quả bóng vàng Việt Nam 2018 Nguyễn Quang Hải tại CLB Hà Nội cho đến nay chỉ còn xoay quanh điểm mấu chốt: Cầu thủ này muốn được ra nước ngoài thi đấu. Quang Hải xem đấy như một thử thách mà anh cần phải đối mặt trong sự nghiệp, dù cho đó có là cuộc phiêu lưu không mang nhiều triển vọng thành công.

Chẳng cần phải am hiểu bóng đá thì ai cũng biết việc ra nước ngoài thi đấu của cầu thủ Việt rất dễ thất bại. Đá bóng là một dạng nghề nghiệp đặc thù chuyên môn cao, lại mang tính toàn cầu, cạnh tranh khắc nghiệt. Ngay tại đất nước chuyên xuất khẩu cầu thủ như Brazil, hàng năm có hơn 3.000 cầu thủ ra nước ngoài nhưng tỷ lệ khoác áo các CLB hàng đầu ở những giải vô địch quốc gia châu Âu chỉ là 2,3%.

Tài năng của Nguyễn Quang Hải có thể xem là đặc biệt nhưng cũng chỉ là những đánh giá dựa trên bình diện bóng đá Việt Nam. Khả năng thành công không cao và sự thiệt thòi cho cá nhân cầu thủ thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng cái được trong việc “xuất khẩu cầu thủ” thì lại cần tầm nhìn của các nhà quản lý và khát vọng dấn thân của bản thân cầu thủ nữa.
Bóng đá Việt Nam đã có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, liệu rằng qua từng trường hợp như vậy, đã có một đánh giá kỹ lưỡng nào về những điều được - mất để qua đó vạch ra một lộ trình có tình ổn định, an toàn hơn không? Nếu thất bại đó đến từ trình độ thì không nói làm gì nhưng chỉ là những trở ngại về văn hóa, ngoại ngữ hay các mối quan hệ thì hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Trách nhiệm đó, thuộc về những nhà quản lý bóng đá, bao gồm chủ CLB hay người đại diện cầu thủ. 
Điều quan trọng hơn, cần phải xác định rõ rằng, xuất ngoại cầu thủ là một xu hướng không thể trì hoãn. Thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng vẫn còn những tồn tại, tạo ra những “chiếc áo chật” đối với các tài năng xuất chúng. Họ cần được tạo điều kiện để ra nước ngoài thi đấu, phát triển năng lực bản thân. Điều đó chắc chắn có lợi cho nền thể thao nước nhà.
Chúng ta đã có những tuyển thủ bóng chuyền ra nước ngoài thi đấu “như đi chợ” như chủ công Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Ngọc Hoa ở Thái Lan, Đài Bắc - Trung Hoa, Nhật Bản… Có một đại kiện tướng cờ vua quốc tế Lê Quang Liêm giành được học bổng đại học toàn phần ở Mỹ, thậm chí có thể thi đấu cho nhiều CLB khác nhau theo lời mời từ các quốc gia. Chúng ta cũng có một cua-rơ Nguyễn Thị Thật tài năng được CLB chuyên nghiệp của Bỉ mời sang thi đấu, để cô được góp mặt ở hơn 20 giải đấu châu Á và châu Âu. 
Riêng môn bóng đá, nếu ở giai đoạn 1999-2009 chỉ có 3 cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, thì từ năm 2010 đến nay, có hơn 10 lượt cầu thủ Việt Nam đã sang Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan chơi bóng. Mới đây nhất, 2 cầu thủ của CLB Sài Gòn vừa sang Nhật Bản để thi đấu ở giải J-League 2, trong khi J-League 1 hiện đang có thủ thành Đặng Văn Lâm góp mặt.
Nên, khi cầu thủ hay vận động viên giỏi của Việt Nam muốn được dấn thân thì chúng ta hãy cổ vũ cho họ, bởi bất kỳ ai ra nước ngoài thi đấu ở thời điểm này, cũng là một quyết định dũng cảm khi biết chắc áp lực lớn nhiều hơn so với những người đi trước.
Cho dù cơ may để được ra sân và nâng tầm đẳng cấp của một cầu thủ như Quang Hải chỉ là 1%, thì vẫn còn tốt hơn là chẳng có cơ hội nào nếu như anh vẫn ở lại trong nước thi đấu khi đã đủ đầy những vinh quang và không có đối thủ xứng tầm. Hãy nhìn sang bóng đá Thái Lan, trước tiền vệ Chanathip, có rất nhiều cầu thủ Thái ra nước ngoài nhưng thất bại. Nhưng Chanathip vẫn tạo ra sự khác biệt khi chơi bóng tại J-League 1 của Nhật Bản. Tiền vệ có vóc dáng thậm chí còn nhỏ bé hơn Quang Hải này đang là nguồn cảm hứng lớn cho công cuộc xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục